Dịch COVID-19: Israel thực hiện phong tỏa trên toàn quốc lần thứ 3

Israel có thể sẽ kéo dài lệnh phong tỏa này thêm 2 tuần nếu số ca nhiễm mới giảm dưới 1.000 ca/ngày, theo đó, người dân Israel sẽ không được phép đi xa nhà quá 1km.
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 tại một bệnh viện ở thành phố Haifa, Israel. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 tại một bệnh viện ở thành phố Haifa, Israel. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 24/12, Israel thông báo sẽ áp đặt lệnh phong tỏa trên toàn quốc trong vòng 2 tuần, bắt đầu từ ngày 27/12.

Đây là lệnh phong tỏa thứ ba ở Israel nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19, chỉ vài ngày sau khi nước này bắt đầu chương trình tiêm chủng phòng bệnh.

Theo thông báo từ Văn phòng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, một lệnh phong tỏa toàn quốc sẽ được áp đặt từ 17 giờ (giờ địa phương) ngày 27/12 và kéo dài trong 2 tuần.

Israel có thể sẽ kéo dài lệnh phong tỏa này thêm 2 tuần nếu số ca nhiễm mới giảm dưới 1.000 ca/ngày. Theo đó, người dân Israel sẽ không được phép đi xa nhà quá 1km và các cơ sở kinh doanh sẽ phải đóng cửa, trừ hoạt động giao hàng.

Những người phục vụ chương trình tiêm chủng nằm trong trường hợp ngoại lệ và được phép đi lại, các trường học sẽ vẫn mở cửa phần nào cho một số nhóm độ tuổi học sinh.

Israel thông báo lệnh phong tỏa trên sau khi tỉ lệ lây nhiễm ở nước này tăng mạnh trở lại kể từ lệnh phong tỏa thứ hai hồi tháng Chín với tỷ lệ lây nhiễm tính theo đầu người nằm trong số cao nhất trên thế giới.

Đến thời điểm hiện tại, Israel với 9 triệu dân, đã ghi nhận 385.022 ca mắc COVID-19, trong đó có 3.150 ca tử vong.

Trước đó, ngày 23/12, Israel đã xác nhận 4 ca nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 có khả năng lây nhiễm cao, vốn trước đó được phát hiện tại Anh.

Trong tuần này, Israel đã cấm công dân đến từ Anh, Đan Mạch hay Nam Phi - những nước phát hiện ca nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2, nhập cảnh vào nước này. Israel cũng ban hành quy định cách ly bắt buộc đối với mọi du khách đến từ nước ngoài.

Israel đầu tuần này đã bắt đầu thực hiện chương trình tiêm phòng COVID-19 trên toàn quốc sau khi nhận lô vắcxin đầu tiên do hãng dược Pfizer của Mỹ và đối tác BioNTech của Đức sản xuất.

[COVID-19: Hong Kong phát hiện 2 ca nhiễm biến thể mới của SARS-CoV-2]

Cùng ngày, Nhật Bản ghi nhận thêm 3.450 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, mức cao kỷ lục trong ngày thứ hai liên tiếp trong bối cảnh thủ đô Tokyo và một số vùng khác tiếp tục có số ca nhiễm cao kỷ lục giữa lúc lo ngại ngày càng tăng về nguy cơ hệ thống y tế bị quá tải. 

Theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này đến nay đã lên tới 211.000 ca, trong đó có 3.100 ca tử vong.

Tại thủ đô Tokyo, 888 ca nhiễm mới đã được phát hiện trong 24h qua, vượt kỷ lục trước đó ghi nhận vào ngày 17/12 là 821 ca, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại thành phố này lên 54.018 ca.

Ba tỉnh khác lân cận với Tokyo cũng ghi nhận số ca nhiễm trong ngày cao kỷ lục, gồm Kanagawa 495 ca, Saitama 251 ca và Chiba 234 ca.

Ngoài ra, tỉnh Aichi và Kyoto lần lượt ở miền Trung và Tây Nhật Bản cũng ghi nhận số ca nhiễm cao kỷ lục.

Tổng số ca mắc COVID-19 ở Tokyo trong tháng 12 đến thời điểm này đã lên tới 13.000 ca, cao hơn mức 9.850 ca ghi nhận trong tháng 11.

Kể từ ngày 17/12, chính quyền Tokyo đã nâng mức cảnh báo lên mức cao nhất là cấp 4 do lo ngại hệ thống y tế nơi đây bị quá tải, và yêu cầu người dân hạn chế hoạt động đi lại không cần thiết.

Các nhà hàng, quán bar và các cơ sở phục vụ rượu tại Tokyo đã được yêu cầu rút ngắn thời gian kinh doanh là đóng cửa lúc 22 giờ hoặc sớm hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục