Dịch COVID-19 khiến chỉ số phát triển con người lần đầu tiên đi xuống

UNDP ước tính thu nhập bình quân đầu người toàn cầu sẽ giảm 4% trong năm 2020 do tác động của đại dịch, trong khi đó, trường học ở nhiều quốc gia không thể hoạt động vì dịch bệnh.
Trẻ em đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại một trại tị nạn ở tỉnh Idlib, Syria ngày 20/4/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Trẻ em đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại một trại tị nạn ở tỉnh Idlib, Syria ngày 20/4/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 20/5, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) cảnh báo chỉ số phát triển con người sẽ giảm lần đầu tiên trong vòng 30 năm qua do tác động của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Từ năm 1990, UNDP bắt đầu tính chỉ số phát triển con người để đánh giá những tiêu chuẩn giáo dục, y tế và mức sống của người dân trên toàn thế giới mỗi năm.

Trong suốt 30 năm, chỉ số này liên tục tăng qua từng năm, ngay cả trong những giai đoạn tồi tệ như cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009.

[LHQ phát động kế hoạch 2 tỷ USD hỗ trợ các nước dễ bị tổn thương nhất]

Phát biểu khi công bố nghiên cứu mới, Giám đốc UNDP Achim Steiner cho rằng nhiều khả năng xu hướng này sẽ bị đảo ngược khi dịch COVID-19 bùng phát và tác động mạnh trên cả ba khía cạnh y tế, giáo dục và thu nhập của người dân.

Hầu hết các quốc gia trên thế giới, bất kể giàu hay nghèo, đều đang nhận thấy sự suy giảm trong những lĩnh vực phát triển con người cơ bản. Nội dung nghiên cứu nêu rõ tổng hòa những tác động của đại dịch có thể khiến tiến trình phát triển con người bị đảo ngược đáng kể.

Mức độ suy giảm ở các quốc gia đang phát triển được cho là sẽ cao hơn nhiều do năng lực ứng phó với những tác động kinh tế và xã hội từ đại dịch thấp hơn những quốc gia giàu có.

Trong nghiên cứu này, UNDP ước tính thu nhập bình quân đầu người toàn cầu sẽ giảm 4% trong năm 2020 do tác động của đại dịch. Trong khi đó, trường học ở nhiều quốc gia không thể hoạt động vì dịch bệnh, năng lực triển khai các chương trình học trực tuyến không đồng đều sẽ càng nới rộng khoảng cách giáo dục giữa các quốc gia giàu và các quốc gia nghèo.

UNDP ước tính tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi tiểu học không được đến trường, đã tính cả những trẻ không được học trực tuyến, là 60% -  mức trung bình toàn cầu cao nhất kể từ những năm 80 của thế kỷ trước.

Khoảng 86% trẻ em ở độ tuổi tiểu học ở các quốc gia nghéo khó, có chỉ số phát triển con người thấp, hiện không thể tới trường vì dịch bệnh trong khi tỷ lệ này ở nhóm các quốc gia giàu có chỉ số phát triển con người cao hơn chỉ là 20%.

Dịch COVID-19 khiến chỉ số phát triển con người lần đầu tiên đi xuống ảnh 1Người lao động nhập cư xếp hàng nhận bữa ăn miễn phí ở New Delhi, Ấn Đô, ngày 30/4/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nghiên cứu cũng chỉ ra những biện pháp can thiệp quyết liệt và đảm bảo công bằng có thể giúp các quốc gia và cộng đồng cùng hồi phục, giảm thiểu những tác động trên diện rộng của dịch bệnh.

Giám đốc Văn phòng Phát triển con người của UNDP Pedro Conceicao cho rằng cuộc khủng hoảng do dịch bệnh COVID-19 cho thấy nếu thế giới không thể đảm bảo tính công bằng trong các công cụ chính sách hỗ trợ, nhiều người sẽ bị bỏ lại phía sau.

Tầm quan trọng của tính công bằng được nhấn mạnh trong hướng dẫn khung của Liên hợp quốcvề ứng phó kinh tế và xã hội trong ngắn hạn với cuộc khủng hoảng do dịch bệnh.

Hướng dẫn này chỉ ra 5 bước ưu tiên chính cần được thực hiện trong bối cảnh khủng hoảng phức tạp gồm bảo vệ hệ thống và dịch vụ y tế, tăng cường bảo vệ xã hội, bảo vệ việc làm, các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các lao động phi chính thức, xây dựng chính sách kinh tế vĩ mô có thể ứng dụng với mọi người dân, và thúc đẩy quản lý thân thiện, hiệu quả và đáng tin cậy để gắn kết xã hội.

UNDP kêu gọi cộng đồng quốc tế nhanh chóng đầu tư cho các quốc gia đang phát triển nhằm nâng cao năng lực thực hiện những bước đi này.

UNDP là tổ chức tiên phong của Liên hợp quốc trong đấu tranh nhằm chấm dứt tình trạng bất bình đẳng, nghèo đói và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.

Với mạng lưới các chuyên gia và đối tác tại 170 quốc gia, UNDP giúp các nước xây dựng những giải pháp toàn diện và bền vững cho phát triển con người và thế giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục