Dịch COVID-19: Những trường hợp vẫn phải áp dụng cách ly tại Đà Nẵng

Đà Nẵng sẽ áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch, lấy mẫu xét nghiệm với các trường hợp có nguy cơ lây nhiễm như: Người tiếp xúc gần bệnh nhân COVID-19 (F1); người từng đến, về từ các ổ dịch...
Dịch COVID-19: Những trường hợp vẫn phải áp dụng cách ly tại Đà Nẵng ảnh 1Nhân viên y tế quận Sơn Trà lấy mẫu xét nghiệm. (Ảnh: Văn Dũng/TTXVN)

Ngày 3/3, Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng ban hành công văn 1149/UBND-SYT về việc tiếp tục thực hiện quyết liệt công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Tính đến ngày 2/3, một số tỉnh, thành phố nhiều ngày không ghi nhận trường hợp mắc COVID-19 mới do lây lan trong cộng đồng. Tuy nhiên, một số tỉnh vẫn ghi nhận các trường hợp mắc COVID-19, tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh xâm nhập, lây lan.

Vì vậy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương, cơ quan chức năng tiếp tục thực hiện quyết liệt các chỉ đạo của Trung ương, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế, Thành ủy Đà Nẵng, Ủy ban Nhân dân thành phố...

Trong đó, thành phố Đà Nẵng sẽ áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch, lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 đối với các trường hợp có nguy cơ lây nhiễm như: Người tiếp xúc gần bệnh nhân COVID-19 (F1); người từng đến, về từ các ổ dịch (thôn, xóm, đội/tổ dân phố/ấp/khóm/đơn vị... có ghi nhận ca bệnh COVID-19) trong vòng 3 ngày trước khi ghi nhận ca bệnh đầu tiên của ổ dịch đến 28 ngày sau ngày ca bệnh cuối cùng của ổ dịch được ghi nhận; người từng đến, về từ các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương/khu vực đang phong tỏa trên cả nước. 

[Việt Nam thêm 7 ca mắc mới, trong đó có 5 bệnh nhân ở Hải Dương]

Các trường hợp này được áp dụng thực hiện cách ly y tế tập trung đủ 14 ngày từ ngày tiếp xúc cuối cùng với bệnh nhân hoặc từ ngày rời khỏi địa phương; xét nghiệm 2 lần: lần 1 ngay khi bắt đầu cách ly, lần 2 vào ngày thứ 14 kể từ ngày tiếp xúc cuối cùng với bệnh nhân hoặc ngày rời khỏi.

Với những người về từ tỉnh Hải Dương nhưng không thuộc trường hợp phải cách ly tập trung nêu trên; người tiếp xúc gần với người tiếp xúc gần với bệnh nhân COVID-19 (F2); người từng đến, về từ các xã, phường trên cả nước có ghi nhận trường hợp mắc do lây lan tại cộng đồng trong vòng 3 ngày trước khi ghi nhận ca bệnh đầu tiên đến 14 ngày sau khi ghi nhận ca bệnh cuối cùng; người từng đi qua các địa điểm trong khoảng thời gian Bộ Y tế thông báo khẩn (nhưng không phải là trường hợp F1 và không nằm trong vùng phong tỏa, giãn cách).

Các trường hợp này áp dụng thực hiện cách ly y tế tại nhà đủ 14 ngày từ ngày rời khỏi địa phương; xét nghiệm 2 lần: lần 1 ngay khi bắt đầu cách ly, lần 2 vào ngày thứ 14 kể từ ngày rời khỏi.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh yêu cầu các cơ quan chức năng, đoàn thể tiếp tục phối hợp, triển khai công tác khai báo y tế toàn dân; tăng cường vận động, yêu cầu toàn bộ công chức, viên chức, người lao động và toàn thể người dân thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19: đeo khẩu trang nơi cộng cộng, không tập trung đông người, giữ khoảng cách khi tiếp xúc, thường xuyên sát khuẩn tay, khai báo y tế...

Ông Lê Trung Chinh đề nghị Sở Y tế thành phố Đà Nẵng khẩn trương xây dựng, tham mưu Ủy ban Nhân dân thành phố ban hành kế hoạch mua, tiếp nhận, tiêm vacxine trên địa bàn thành phố; tiếp tục cập nhật các ổ dịch, vùng dịch tại các địa phương trên cả nước; hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 phù hợp đối với các trường hợp có nguy cơ lây nhiễm.

Tùy theo diễn biến dịch bệnh trên cả nước, chủ động tham mưu Ủy ban Nhân dân thành phố chỉ đạo các vấn đề liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục