Điện hạt nhân: Mối quan tâm trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Pháp

Trong khi các ứng cử viên cánh hữu và cực hữu không ngần ngại bảo vệ việc xây dựng các lò phản ứng hạt nhân mới, cánh tả lại vẫn bị chia rẽ về vai trò của nguồn năng lượng này.
Điện hạt nhân: Mối quan tâm trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Pháp ảnh 1Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nhận xét về chủ đề hạt nhân trong chiến dịch tranh cử tổng thống Pháp, nhật báo Le Monde số ra mới đây cho rằng trong khi các ứng cử viên cánh hữu và cực hữu không ngần ngại bảo vệ việc xây dựng các lò phản ứng hạt nhân mới, cánh tả lại vẫn bị chia rẽ về vai trò của nguồn năng lượng này trong quá trình chuyển đổi sinh thái.

Theo báo này, khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vừa mới tuyên bố khởi động lại việc xây dựng các tổ hợp nhà máy điện hạt nhân và giá năng lượng đang ở mức cao nhất, câu hỏi về điện hạt nhân đã được đề cập từ nhiều tháng nay trong tất cả các chương trình tranh cử tổng thống, dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 4/2022.

Vì lợi ích của chủ quyền năng lượng và trên cơ sở các luận điểm về sinh thái, “bóng đang ở trong chân” những người phát ngôn mang tính lịch sử cho điện hạt nhân.

[Tổng thống Pháp tái khởi động chương trình năng lượng hạt nhân]

Trong đảng trung hữu Những người Cộng hòa, các ứng cử viên đều chỉ trích sự “thoái trào” trong lĩnh vực này của Pháp và tuyên bố sẽ đi xa hơn chính quyền đương nhiệm trong việc đổi mới và xây dựng các nhà máy điện hạt nhân mới.

Trong cuộc tranh luận đầu tiên giữa các ứng cử viên hôm 8/11, Xavier Bertrand, lãnh đạo vùng Hauts-de-France, người luôn phản đối năng lượng gió, đã tuyên bố rằng nếu ông được bầu làm Tổng thống Pháp, quyết định đầu tiên của ông sẽ là “ra lệnh cho chủ tịch Tập đoàn điện lực Pháp (EDF) khởi động xây dựng 10 lò phản ứng hạt nhân mới.”

Còn bà Valérie Pécresse, Chủ tịch Hội đồng vùng Ile-de-France, người mà năm 2018 đã cho rằng cần phải dần từ bỏ năng lượng hạt nhân, thì hiện này giống như cựu Ủy viên Hội đồng châu Âu Michel Barnier, lại bảo vệ việc xây dựng 6 lò phản ứng mới theo đề xuất của EDF, và đầu tư một khoản lớn vào các hoạt động nghiên cứu liên quan.

Đại diện phe cực hữu tỏ ra nhiệt tình hơn. Ngoài việc đại tu và hiện đại hóa các nhà máy hiện có, bà Marine Le Pen của Đảng Tập hợp quốc gia (RN) cực hữu muốn khởi động “ngay lập tức việc xây mới 3 lò phản ứng EPR."

Hôm 15/11, ứng cử viên của RN đã trịnh trọng yêu cầu Tổng thống Macron ra lệnh tạm hoãn việc tháo dỡ nhà máy điện hạt nhân Fessenheim (Haut-Rhin), dự kiến vào năm 2025.

Trong khi đó, đối thủ Eric Zemmour, người vẫn chưa công bố rõ ràng ý định tranh cử, cũng bày tỏ ủng hộ việc xây dựng 10 lò phản ứng mới và chôn chất thải hạt nhân ở Bure (Meuse).

Cánh tả muốn loại bỏ “có trách nhiệm”

Về phía cánh tả, hai ứng cử viên do Đảng Cộng sản đề cử là cựu Bộ trưởng Kinh tế Arnaud Montebourg, người ủng hộ quyết liệt phong trào phát triển sản xuất trong nước với khẩu hiệu “Made in France,” và Fabien Roussel, Bí thư toàn quốc Đảng cộng sản Pháp, cũng thể hiện lập trường ủng hộ hạt nhân và đề xuất xây dựng từ 6-8 lò EPR.

Quá trình chuyển đổi sinh thái bằng cách loại bỏ cacbon trong sản xuất năng lượng chỉ có thể được thực hiện bằng công nghệ này.

Ngoài ra, về mặt kinh tế, cả hai đều cho rằng nguồn năng lượng này “với chi phí thấp hơn” sẽ có lợi cho ngân sách của Pháp.

Ngoài 2 nhân vật này, các ứng cử viên còn lại của phe cánh tả đều phản đối việc xây dựng bất kỳ lò EPR mới nào cũng như việc duy trì lâu dài các tổ hợp hạt nhân hiện tại.

Các ứng cử viên khác ủng hộ các loại năng lượng tái tạo như năng lượng gió, năng lượng Mặt Trời…

Ứng cử viên Đảng Xã hội, Thị trưởng Paris Anne Hidalgo thừa nhận rằng Pháp sẽ không thể thoát khỏi năng lượng hạt nhân trong vòng 15-20 năm.

Do đó, bà chấp nhận vị trí của loại năng lượng này trong quá trình chuyển đổi, vì lợi ích chủ quyền về năng lượng và để chống lại sự gia tăng quá mức của giá điện.

Các ứng cử viên thuộc Đảng châu Âu Sinh thái/Xanh và Đảng Nước Pháp bất khuất, Yannick Jadot và Jean-Luc Mélenchon, phản đối quyết liệt hơn đối với điện hạt nhân do liên quan các vấn đề an toàn và sinh thái.

Đặc biệt, họ bảo vệ quan điểm cần dừng công trình xây dựng lò EPR ở Flamanville.

Tuy nhiên, cả hai đã phải điều chỉnh bài phát biểu của họ. Jadot, người thừa kế đường lối chống hạt nhân của Đảng Sinh thái/Xanh, nhấn mạnh muốn loại bỏ nguồn năng lượng này một cách “có trách nhiệm,” với một giai đoạn chuyển tiếp kéo dài 15 hoặc 20 năm.

Mélenchon cũng thay đổi nhận định và cho rằng tương lai nước Pháp sẽ sử dụng “100% năng lượng tái tạo” vào năm 2045, chứ không phải là năm 2030./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục