Đối thoại là 'chìa khóa' giúp giảm nguy cơ xảy ra tai nạn lao động

Trong bối cảnh Việt Nam khôi phục, mở cửa bình thường lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh, những thách thức và nguy cơ trong công tác an toàn, vệ sinh lao động được dự báo sẽ gia tăng.
Đối thoại là 'chìa khóa' giúp giảm nguy cơ xảy ra tai nạn lao động ảnh 1Những thách thức và nguy cơ trong công tác an toàn, vệ sinh lao động sẽ gia tăng khi tăng tốc phuc hồi sản xuất, kinh doanh. (Ảnh minh hoạ: Anh Tuấn/TTXVN)

Bài học kinh nghiệm từ cuộc khủng hoảng do COVID-19 đã cho thấy tầm quan trọng của đối thoại trong việc kịp thời xây dựng, ban hành những giải pháp hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp gặp khó khăn do COVID-19.

Trong tháng hành động vì an toàn vệ sinh lao động năm nay, các hoạt động đối thoại ở các cấp sẽ tiếp tục diễn ra sôi nổi để đưa ra giải pháp đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người lao động, giảm nguy cơ xảy ra tai nạn lao động trong bối cảnh đẩy mạnh phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Nguy cơ tai nạn lao động còn hiện hữu

So với năm 2020, tình hình tai nạn lao động năm 2021 giảm ở tất cả các chỉ số. Cả nước có 786 người chết dù giảm 180 người (khoảng 20%) so với năm 2020. Tuy vậy, số vụ tai nạn lao động, người mắc bệnh nghề nghiệp và sự cố nghiêm trọng vẫn còn ở mức cao và đáng lo ngại.

Năm 2021, toàn quốc đã xảy ra 6.504 vụ tai nạn lao động, làm 6.658 người bị nạn, 786 người chết. Tổng chi phí cho tai nạn lao động và thiệt hại tài sản gần 4.000 tỷ đồng và hơn 116.000 ngày công.

Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung thừa nhận những mất mát về người, thiệt hại vật chất do tai nạn lao động, bênh nghề nghiệp tuy có giảm nhưng còn lớn, gây ra những nỗi đau về tinh thần, thể xác của biết bao gia đình, nỗi buồn đau của người thân.

"Tín hiệu tích cực là số người chết và bị thương do tai nạn lao động trong cả khu vực có quan hệ lao động và không có quan hệ lao động đã giảm mạnh. Đã có nhiều điển hình, mô hình tốt về an toàn, vệ sinh lao động. Nhiều doanh nghiệp, hàng triệu lao động đã có nhiều giải pháp phòng ngừa, không để xảy tai nạn lao động nặng hoặc chết người", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, vẫn còn một bộ phận doanh nghiệp chưa nhận thức và quan tâm, đầu tư an toàn vệ sinh lao động đúng mức. Không ít người lao động vẫn chưa được đào tạo, huấn luyện kiến thức, kỹ năng làm việc an toàn và tác phong công nghiệp.

Trong bối cảnh Việt Nam khôi phục, mở cửa bình thường lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh, những thách thức và nguy cơ trong công tác an toàn, vệ sinh lao động sẽ gia tăng hiện hữu. Điều này đòi hỏi các cấp chính quyền cần thực sự quan tâm thúc đẩy thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động tại địa phương, doanh nghiệp.

[Môi trường lao động an toàn: Động lực thúc đẩy phát triển bền vững]

Tổng Giám đốc ILO Guy Ryder nhận định: “Khi thế giới tiếp tục phải đối mặt với những tác động của cuộc khủng hoảng COVID-19 và quá trình phục hồi không đồng đều, an toàn và sức khỏe nghề nghiệp vẫn là vấn đề ưu tiên hàng đầu trong các biện pháp ứng phó của các quốc gia.”

Gỡ vướng mắc bằng đối thoại

 Theo một báo cáo mới của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) vừa được công bố, đại dịch COVID-19 đã cho thấy rằng sự hợp tác hiệu quả giữa người sử dụng lao động, người lao động và các chính phủ là cách tốt nhất để thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn và sức khỏe nghề nghiệp. Đối thoại là "chìa khóa" để giảm thiểu nguy cơ mất an toàn tại nơi làm việc.

Báo cáo của ILO chỉ ra rằng khi người lao động tham gia thúc đẩy an toàn và sức khỏe tại nơi làm việc sẽ giúp giảm rủi ro tai nạn. Theo nghiên cứu của ILO, những nơi làm việc có tỷ lệ tham gia của người lao động cao thì tỷ lệ tai nạn giảm 64% và tỷ lệ phải nhập viện giảm 58%.

Các chuyên gia của ILO nhấn mạnh các chấn thương hay bệnh tật do lao động cần phải được ngăn chặn. Xây dựng một văn hóa ngăn ngừa thông qua đối thoại xã hội sẽ đóng góp và lực lượng lao động mạnh khỏe, doanh nghiệp năng suất và nền kinh tế bền vững.

Đối thoại là 'chìa khóa' giúp giảm nguy cơ xảy ra tai nạn lao động ảnh 2Phiên đối thoại định kỳ của Hội đồng quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động năm 2022. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tại Việt Nam, việc đối thoại đã được quy định trong Luật An toàn, vệ sinh lao động, Bộ luật Lao động. Kể từ năm 2017 đến nay, việc đối thoại giữa đại diện Chính phủ, doanh nghiệp, người lao động về an toàn, vệ sinh lao động ở cấp quốc gia được tổ chức hàng năm. Trong bối cảnh đại dịch diễn biến phức tạp, thông qua đối thoại của Hội đồng quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động năm 2021, nhiều nội dung chính sách vướng mắc đã được sửa đổi, bổ sung nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; ở cấp tỉnh đã có nhiều thông tin được chia sẻ, giải đáp.

Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết sau đối thoại năm 2021, các thành viên Hội đồng đã tích cực tư vấn cho Chính phủ, bộ, ngành ban hành nhiều chính sách mới như Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 2 nghị quyết, 2 quyết định về chính sách nhằm hỗ trợ người sử dụng lao động, người lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, 7 thông tư; Bộ Y tế ban hành 1 thông tư; Bộ Xây dựng 2 nghị định, 1 thông tư; Bộ Công Thương 7 thông tư…

Theo Thứ trưởng Lê Văn Thanh, thông qua lắng nghe, đối thoại để sửa đổi, ban hành các chính sách đã giúp tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, người lao động.

“Trong bối cảnh khó khăn do đại dịch COVID-19, hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, cạnh tranh toàn cầu ngày càng gay gắt hơn, việc đối thoại định kỳ về chính sách nhằm chia sẻ thông tin, tăng cường sự hiểu hiết giữa người sử dụng lao động, người lao động, tổ chức công đoàn, tổ chức đại diện người sử dụng lao động và các cơ quan quản lý Nhà nước, qua đó góp phần xây dựng cơ chế chính sách ngày càng hoàn thiện hơn,” Thứ trưởng Lê Văn Thanh nói.

Sau cuộc đối thoại của Hội đồng quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động năm 2022 được tổ chức ngày 28/4 vừa qua, các cuộc đối thoại ở cấp địa phương, cơ sở sẽ tiếp tục được thực hiện trong Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động. Những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, người lao động sẽ được ghi nhận và đề xuất để sửa đổi chính sách, quy định hiện hành cho phù hợp với tình hình thực tế.

“Bài học kinh nghiệm từ cuộc khủng hoảng do COVID-19 đã cho thấy về tầm quan trọng của đối thoại xã hội trong việc tăng cường an toàn và sức khỏe ở cấp quốc gia và nơi làm việc cần được áp dụng trong những lĩnh vực khác. Làm như vậy sẽ giúp giảm số ca bệnh tật và tử vong liên quan tới nghề nghiệp hàng năm hiện đang ở mức quá cao,” ông Guy Ryde nhấn mạnh./.

Chủ đề Tháng hành động an toàn, vệ sinh lao động năm 2022 là “Tăng cường các biện pháp giảm thiểu rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động, cải thiện điều kiện lao động tại nơi làm việc, thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19”.

Trong tháng hành động kéo dài từ 1/5-31/5, trên khắp cả nước sẽ diễn ra các hoạt động như đối thoại của hội đồng quốc gia và cấp tỉnh về an toàn, vệ sinh lao động; tổ chức tọa đàm, đối thoại, hội thi, chia sẻ kinh nghiệm, mô hình điển hình về an toàn vệ sinh lao động; thăm nạn nhân tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; đánh giá nguy cơ, rủi ro, cải thiện điều kiện làm việc an toàn, vệ sinh trong các doanh nghiệp...

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục