Đông Mai là khu công nghiệp điển hình về hoàn thành 'mục tiêu kép'?

Tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu xây dựng khu công nghiệp Đông Mai trở thành khu công nghiệp dẫn đầu, phù hợp giai đoạn phát triển mới, đảm bảo tăng trưởng, điển hình về hoàn thành mục tiêu kép.
Đông Mai là khu công nghiệp điển hình về hoàn thành 'mục tiêu kép'? ảnh 1Khu công nghiệp Đông Mai. (Nguồn: Investvietnam.gov.vn)

Tỉnh Quảng Ninh đang xây dựng Khu công nghiệp Đông Mai ở thị xã Quảng Yên trở thành khu công nghiệp điển hình về hoàn thành mục tiêu kép - vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế-xã hội năm 2021.

Đông Mai đang là khu công nghiệp đồng bộ nhất về hạ tầng, tỷ lệ lấp đầy cao nhất của tỉnh Quảng Ninh; thu hút được nhiều dự án công nghiệp sạch, công nghệ cao; tham gia chế tạo, sản xuất các thương hiệu hàng đầu thế giới... Vì thế, đây sẽ là trụ cột quan trọng của tỉnh Quảng Ninh trong triển khai nhiệm vụ kép năm 2021 và là khu công nghiệp mẫu.

Để đạt mục tiêu trên, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký cho rằng vấn đề cấp bách lúc này là cần nhìn lại tổng thể, rà soát căn cơ các biện pháp, chủ trương đã làm, tìm ra lỗ hổng, yếu kém, từ đó xác định mục tiêu, chiến lược triển khai, cương quyết giữ vững trụ cột các ngành sản xuất, xây dựng khu công nghiệp Đông Mai là khu công nghiệp dẫn đầu, phù hợp giai đoạn phát triển mới, đảm bảo tăng trưởng.

Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh cần sự phối hợp chặt chẽ giữa Ban Quản lý khu công nghiệp tỉnh, Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh, thị xã Quảng Yên, ngành y tế và Ban Chỉ đạo cấp tỉnh có trách nhiệm hướng dẫn, xây dựng quy trình riêng về phòng, chống dịch COVID-19 cho khu công nghiệp Đông Mai.

Quy trình phải phù hợp với mô hình tổ chức sản xuất, đặc điểm công nhân lao động, nhân viên của từng nhà đầu tư thứ cấp trong khu công nghiệp, đảm bảo kiểm soát tốt yếu tố rủi ro, giữ vững sự an toàn, sức sản xuất của từng doanh nghiệp, nhà máy; trong đó, quan tâm đến nhà máy sản xuất hệ thống dây dẫn và các cụm thiết bị điện ôtô Yazaki - đơn vị có lao động đông nhất khu công nghiệp.

Ông Nguyễn Xuân Ký cho hay đối với phòng, chống dịch, yếu tố quan trọng nhất hiện nay là phải hiệu quả ngay từ cơ sở, tốc độ trong thực hiện các biện pháp ngăn chặn, phát hiện, truy vết, cách ly, khoanh vùng, dập dịch, nhanh chóng ổn định tình hình.

Đặc biệt, thực hiện triệt để phương châm “3 trước, 4 tại chỗ”; tích cực, chủ động từ xa, từ sớm, từ cơ sở, quan điểm “phòng hơn chống."

Các đơn vị cần lưu ý tổ chức lại cơ chế phối hợp giữa các lớp bảo vệ. Đầu tiên phải từ người lao động trong các nhà máy để công nhân hiểu, nhận biết về trách nhiệm, vai trò, tầm quan trọng trong phòng chống dịch ngay tại cơ sở; phân loại các trường hợp tiếp xúc của công nhân với các cấp độ, nguy cơ khác nhau như số lượng công nhân đi, về trong ngày, nhà thầu thực hiện xây lắp, nhà cung cấp nhu yếu phẩm…

[Yêu cầu công nhân khu công nghiệp khai báo y tế, chủ động phòng dịch]

Trong các phương án phối hợp, cần quan tâm đến tiến độ thông tin, giải pháp, để làm thế nào nhanh nhất phát hiện, ngăn chặn, truy vết, cách ly, khoanh vùng, không bỏ sót, dập dịch; thực hiện nghiêm túc triển khai xét nghiệm xác suất, luân phiên tại các phân xưởng, thực hiện theo các kịch bản tình huống, đảm bảo an toàn tuyệt đối, không trở thành ổ dịch.

Khu công nghiệp Đông Mai có diện tích hơn 167ha, trong đó diện tích đất công nghiệp hơn 124ha. Đến nay, chủ đầu tư đã hoàn thành đầu tư đồng bộ các công trình hạ tầng thiết yếu, tỷ lệ lấp đầy đạt 70%, gồm 19 dự án với vốn đầu tư đăng ký trên 350 triệu USD.

Dự kiến, giá trị xuất khẩu của các doanh nghiệp tại khu công nghiệp Đông Mai sẽ đạt gần 1 tỷ USD trong năm 2021.

Trong khu công nghiệp đã có nhiều dự án thứ cấp hoàn thành đầu tư, đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, có sản phẩm xuất khẩu, tạo năng lực mới cho tăng trưởng của tỉnh, như: Dự án S-Việt Nam của Tập đoàn Foxconn; Nhà máy sản xuất hệ thống dây dẫn và các cụm thiết bị điện ôtô Yazaki; Nhà máy sản xuất loa và tai nghe Tonly Technology Limited; Nhà máy Bumjin Electronics...

Với hơn 7.400 lao động đang làm việc tại khu công nghiệp, thực hiện chỉ đạo của Trung ương, tỉnh Quảng Ninh, việc phòng, chống dịch COVID-19 được triển khai hiệu quả, có nhiều cải tiến, đổi mới, phù hợp với điều kiện thực tế tại từng đơn vị sản xuất.

Đông Mai là khu công nghiệp điển hình về hoàn thành 'mục tiêu kép'? ảnh 2(Ảnh minh họa: TTXVN)

Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh đã yêu cầu các doanh nghiệp trong khu công nghiệp quán triệt công nhân lao động tuyệt đối không được lơ là, chủ quan; nâng cao ý thức tự giác, tự quản, tuân thủ nguyên tắc 5K của Bộ Y tế, khai báo y tế trung thực, đeo khẩu trang bắt buộc tại nơi công cộng, khuyến khích thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 tự nguyện, xây dựng kịch bản cụ thể đối với các tình huống có thể xảy ra, 100% doanh nghiệp lập chốt kiểm soát ra vào cổng, bố trí xe đưa đón công nhân và các chuyên gia.

Quảng Ninh xác định công nghiệp chế biến, chế tạo ngày càng đóng vai trò chủ đạo, động lực của khu vực công nghiệp, tạo ra giá trị gia tăng lớn, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách nhà nước. Đây là nguồn cung việc làm dài hạn và tạo thu nhập ổn định, thúc đẩy chuyển dịch thu hút lao động, tăng quy mô, chất lượng dân số của tỉnh.

Ngay sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh khóa mới đã ban hành Nghị quyết số 01 về phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục