Đức lo ngại Nga cắt nguồn cung khí đốt qua Dòng chảy phương Bắc 1

Các cơ quan chức năng Đức đang lo ngại phía Nga sẽ ngừng cung cấp khí đốt qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 kể cả khi công tác bảo trì đã hoàn thành.
Đức lo ngại Nga cắt nguồn cung khí đốt qua Dòng chảy phương Bắc 1 ảnh 1Đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 1 tại Lubmin, Đức, ngày 8/3/2022. (Ảnh: Reuters/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Đức, từ 6h ngày 11/7, đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 (Nord Stream 1) dẫn khí đốt trực tiếp từ Nga sang Đức đã ngừng vận chuyển khí đốt để thực hiện công tác bảo trì.

Các cơ quan chức năng Đức đang lo ngại phía Nga sẽ ngừng cung cấp khí đốt qua đường ống này kể cả khi công tác bảo trì đã hoàn thành.

Truyền hình NTV dẫn phát biểu của ông Klaus Müller, Chủ tịch Cơ quan Mạng lưới liên bang Đức, cho biết đến nay chưa thể khẳng định liệu Nga có ngừng cung cấp khí đốt cho Đức qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 sau khi hoàn tất công tác bảo trì hay không.

Theo ông, trong trường hợp xấu nhất là Nga ngừng cung cấp khí đốt, một số kịch bản có thể xảy ra, trong đó có kịch bản Đức rơi vào tình trạng khẩn cấp về khí đốt.

[Đức bắt đầu quá trình bảo trì đường ống Dòng chảy phương Bắc 1]

Các kịch bản này phụ thuộc vào một số yếu tố như việc thiết lập các cơ sở tiếp nhận khí hóa lỏng (LNG), khả năng và tốc độ tiết kiệm khí đốt...

Về vấn đề kéo dài thời hạn hoạt động của 3 nhà máy điện hạt nhân còn lại tại Đức, ông Müller đánh giá vấn đề hiện tại của Đức là việc thiếu khí đốt, tức là thiếu nguồn cung cấp nhiệt.

Khí đốt được sử dụng như một nguyên liệu thô trong công nghiệp, vì vậy các nhà máy điện hạt nhân không thể giúp giải quyết vấn đề này. Các nhà máy điện hạt nhân cũng không có thế mạnh về tạo ra nhiệt.

Theo tính toán của Cơ quan Mạng lưới liên bang Đức, mức dự trữ khí đốt hiện tại ở nước này đạt 63,2%. Nếu nguồn cung khí đốt qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 không được đảm bảo, tình trạng thiếu khí đốt có thể sẽ không xảy ra ngay lập tức.

Tuy nhiên, Đức không thể lấp đầy các cơ sở lưu trữ khí đốt ở mức 90% vào tháng 11 tới như kế hoạch. Nếu không thể đạt được mức lưu trữ đó, nguy cơ thiếu hụt khí đốt trong mùa Đông hoàn toàn có thể xảy ra.

Các chuyên gia kinh tế Đức lo ngại nguy cơ suy thoái kinh tế trong trung hạn nếu Nga ngừng cung cấp khí đốt qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 sau ngày 21/7.

Nhà kinh tế trưởng Thomas Gitzel thuộc VP Bank cảnh báo nếu sau thời điểm này, Nga không tiếp tục cung cấp khí đốt, nền kinh tế Đức và châu Âu sẽ rơi vào suy thoái sâu.

Cùng ngày, phóng viên TTXVN tại Rome dẫn tuyên bố của tập đoàn năng lượng Eni của Italy cho biết tập đoàn Gazprom (Nga) đã cắt giảm 30% nguồn cung khí đốt cho nước này.

Thông báo của tập đoàn Eni nêu rõ Gazprom sẽ cung cấp cho doanh nghiệp này khoảng 21 triệu m3 (khí đốt)/ngày, trong khi mức trung bình những ngày qua là khoảng 32 triệu m3/ngày.

Lý do Gazprom đưa ra là đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 đang được bảo trì thường niên trong 10 ngày, bắt đầu từ ngày 11/7 tới ngày 21/7. Tháng trước, Gazprom đã giảm 15% nguồn cung khí đốt tới Italy.

Cũng trong ngày 11/7, công ty điều hành cơ sở hạ tầng dầu khí Snam của Italy thông báo mức dự trữ khí đốt của Italy hiện đã lên tới 6,1 tỷ m3, tương đương 64% mục tiêu của họ.

Trong khi đó, Bộ trưởng phụ trách Chuyển đổi sinh thái Italy Roberto Cingolani cho biết chính phủ nước này đang thảo luận về một chiến dịch tiết kiệm khí đốt và nước ngọt, dự kiến được khởi động trong thời gian ngắn.

Phát biểu với báo giới, ông cho hay chính phủ đang thảo luận với các bộ/ngành về dự án thông tin nhanh về hai lĩnh vực chính là nước và năng lượng. Chính phủ đang cân nhắc xây dựng loạt thông điệp để đưa ra các gợi ý về hành vi và sự tỉnh táo trong việc sử dụng các nguồn lực.

Chính phủ Italy đang rất nỗ lực để chấm dứt sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga kể từ sau cuộc khủng hoảng tại Ukraine.

Các nguồn tin cho biết tỷ lệ khí đốt của Italy do Nga cung cấp đã giảm từ 40%, xuống còn khoảng 25%, còn thị phần của Algeria đã tăng lên hơn 30%.

Mới đây, Thủ tướng Italy Mario Draghi xác nhận chính phủ nước này đã "nhanh chóng tiến tới" đa dạng hóa các nhà cung cấp bằng cách thiết lập các lựa chọn thay thế với các quốc gia như Algeria, Angola, Congo, Libya, Ai Cập, Israel và Mozambique. Eni gần đây cũng đã tham gia dự án LNG lớn nhất thế giới tại Qatar./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục