Toà án Hiến pháp liên bang Đức (BVG) ngày 15/3 đã tiến hành phiên xử đầu tiên xem xét đơn kiện của 3 tập đoàn năng lượng lớn nhất nước này là E.ON, RWE và Vattenfall kiện Chính phủ Đức vì quyết định đóng cửa tất cả các nhà máy điện hạt nhân tại nước này.
Các thẩm phán của BVG sẽ phải đưa ra phán quyết liệu quyết định này của chính phủ có phù hợp với Hiến pháp Đức hay không.
Sau thảm hoạ động đất sóng thần tại Fukushima (Nhật Bản) hồi năm 2011, Chính phủ Đức khi đó gồm liên minh đảng Dân chủ/Xã hội cơ đốc giáo (CDU/CSU) và đảng Dân chủ Tự do (FDP) ngay trong năm 2011 đã ban hành quyết định về việc các tập đoàn năng lượng Đức phải đệ trình chính phủ lộ trình đóng cửa tất cả 17 nhà máy điện hạt nhân đang vận hành tại Đức.
Nếu phán quyết của BVG cho rằng đơn kiện của các tập đoàn năng lượng là đúng, các tập đoàn này có quyền yêu cầu chính phủ phải đền bù thiệt hại hàng tỷ euro nếu vẫn muốn đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân. Tuy nhiên, quá trình xem xét hồ sơ trước khi có kết luận cuối cùng sẽ kéo dài nhiều tháng.
Hiện Chính phủ Đức đã đồng ý thảo luận với các tập đoàn năng lượng về việc chia sẻ gánh nặng chi phí khi phải đóng của các nhà máy điện hạt nhân trên toàn quốc. Chính phủ Đức đề nghị các tập đoàn rút đơn kiện nếu muốn hai bên đi đến thống nhất về việc chia sẻ thiệt hại.
Bộ trưởng Môi trường Đức Barbara Hendricks ngày 15/3 đã có mặt tại Karlsruhe, nơi đặt trụ sở của BVG và cho biết sẽ chờ đợi phán quyết của BVG. Theo bà Hendricks, chính sách đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân của chính phủ là không thay đổi trong mọi trường hợp, kể cả nếu phải đền bù cho các tập đoàn trong trường hợp thua kiện./.