Đức và Na Uy khánh thành dự án cáp ngầm trao đổi điện dưới biển

Với tổng chiều dài 623km, NordLink là một trong những tuyến cáp biển dài nhất thế giới giúp trao đổi năng lượng gió và Mặt Trời sản xuất ở Đức lấy năng lượng thủy điện sản xuất ở Na Uy.
Đức và Na Uy khánh thành dự án cáp ngầm trao đổi điện dưới biển ảnh 1(Nguồn: dw.com)

Đức và Na Uy ngày 27/5 đã khánh thành NordLink - tuyến cáp điện ngầm dưới biển được xây dựng để tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi năng lượng tái tạo, trong bối cảnh nền kinh tế lớn nhất châu Âu đang dần loại bỏ điện than và điện hạt nhân trong những năm tới.

Với tổng chiều dài 623km, NordLink là một trong những tuyến cáp biển dài nhất thế giới, nối từ thị trấn Tonstad ở phía Nam Na Uy tới cửa sông Elbe ở miền Bắc nước Đức.

Tuyến cáp này giúp trao đổi năng lượng gió và Mặt Trời sản xuất ở Đức lấy năng lượng thủy điện sản xuất ở Na Uy, giúp hai nước bù đắp lượng thiếu hụt trong sản xuất điện do lượng gió và Mặt Trời trồi sụt.

Dự án được kỳ vọng sẽ giúp cung cấp điện năng cho khoảng 3,6 triệu hộ gia đình này vốn được vận hành từ tháng Tư vừa qua, song tới ngày 27/5 mới chính thức khai trương.

Theo Thủ tướng Đức Angela Merkel, dự án thực sự là bước tiến lớn hướng tới một nguồn cung cấp năng lượng bền vững và thân thiện với tương lai cho nước Đức.

Dự án cũng giúp cân bằng việc sản xuất điện, là nhiệm vụ quan trọng trong nỗ lực mở rộng các nguồn năng lượng tái tạo đang ngày càng được đẩy mạnh ở nước này.

[Thái Lan sắp có trang trại điện Mặt Trời nổi lớn nhất thế giới]

Chuyên gia Thorsten Lenck thuộc tổ chức nghiên cứu Chuyển đổi năng lượng Agora đánh giá dự án NordLink là bước tiến quan trọng trong quá trình chuyển đổi năng lượng của Đức và tích hợp vào hệ thống điện châu Âu.

Theo kế hoạch, Đức sẽ dần loại bỏ điện hạt nhân vào năm 2022 và điện than vào năm 2038. Vừa qua, Đức cũng đã đặt ra nhiều mục tiêu tham vọng để giảm lượng khí thải CO2 sau khi Tòa án Hiến pháp - tòa án tối cao ở Đức, ra phán quyết nêu rõ đạo luật bảo vệ khí hậu hiện nay là "chưa đủ," yêu cầu sửa đổi luật này.

Với những mục tiêu tham vọng, Chính phủ Đức dự kiến cắt giảm 65% lượng khí thải vào năm 2030 so với mức năm 1990, xa hơn so với mục tiêu giảm 55% đặt ra trước đó. Tiếp đó, mức cắt giảm sẽ đạt 88% vào năm 2040, với mục tiêu đưa nước Đức trở thành trung lập với carbon vào năm 2045, sớm hơn năm năm so với kế hoạch ban đầu.

Số liệu của Viện nghiên cứu Fraunhofer cho biết lần đầu tiên vào năm 2020, năng lượng tái tạo ở Đức đã chiếm một nửa sản lượng điện so với mức 25% cách đây chưa đầy 10 năm.

Sự tương tác, trao đổi giữa các quốc gia khác nhau cũng là một trong những trụ cột chiến lược khí hậu của Liên minh châu Âu. Cho tới nay, một số dự án xuyên biên giới đã và đang vận hành giữa Na Uy và Hà Lan; Hà Lan và Anh; Đan Mạch và Hà Lan./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục