EC cáo buộc Bỉ vi phạm Hiệp ước Schengen vì đã kiểm soát biên giới

Ủy viên châu Âu phụ trách nhập cư Dimitris Avramopoulos cho rằng Bỉ không tuân thủ Hiệp ước Schengen khi áp đặt kiểm soát biên giới với Pháp.
EC cáo buộc Bỉ vi phạm Hiệp ước Schengen vì đã kiểm soát biên giới ảnh 1Cảnh sát Bỉ đứng kiểm soát hành khách đi xe buýt từ Pháp đến Bỉ ở Adinkerke, ngày 23/2. (Nguồn: AFP)

 Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, trong bức thư Ủy ban châu Âu (EC) vừa gửi Thủ tướng Bỉ Charles Michel và Bộ trưởng Nội vụ Jan Jambon, Ủy viên châu Âu phụ trách nhập cư Dimitris Avramopoulos cho rằng Bỉ không tuân thủ Hiệp ước Schengen khi áp đặt kiểm soát biên giới với Pháp.

Trước đó, ngày 23/2, Chính phủ Bỉ đã quyết định áp đặt kiểm soát biên giới với Pháp sau khi Paris tuyên bố xóa bỏ hoàn toàn khu trại tạm ở cảng Calais của Pháp - động thái khiến giới chức Bỉ lo ngại làn sóng nhập cư trái phép sẽ tràn vào khu vực ven biển thuộc biển Bắc của Bỉ.

Cùng ngày, Chính phủ Bỉ đã báo cáo EC việc tái kiểm soát biên giới nội địa khu vực Schengen với thời gian 1 tháng, tức đến 23/3 tới. Tuy nhiên, EC không hoan nghênh hành động của Bỉ.

Trong bức thư gửi Chính phủ Bỉ, Ủy viên Avramopoulos nhấn mạnh việc tái lập kiểm soát biên giới nội địa theo điều 23 và 24 Luật biên giới Schengen cần được thông báo tới EC cũng như các quốc gia thành viên trước khi tiến hành.

Trong trường hợp cần một hành động ngay lập tức thì điều 25 được áp dụng, tức việc kiểm soát biên giới chỉ có thể được tiến hành trong thời hạn 10 ngày.

Do đó, Bỉ không thể có tính pháp lý khi áp dụng kiểm soát biên giới trong vòng 1 tháng trong hoàn cảnh như vậy. Ngày 29/2, giới chức Bỉ sẽ phải trình bày trước EC về hành động kiểm soát biên giới này.

Bỉ đã huy động từ 250-290 cảnh sát tiến hành kiểm soát biên giới với Pháp nhằm đề phòng việc người tị nạn dựng trại tạm thời trên đất Bỉ để sang Anh như trường hợp ở Calais của Pháp. Cho đến ngày 25/2 vừa qua, cảnh sát Bỉ đã bắt giữ 224 người nhập cư trái phép.

Trong diễn biến liên quan, khoảng 3.000 người biểu tình đã tuần hành tại Brussels nhằm ủng hộ những người tị nạn chạy trốn khỏi chiến tranh và khủng bố như người dân Syria, Afghanistan và Iraq, trong khi tại Paris (Pháp), khắp nước Đức và các thành phố châu Âu khác cũng đã diễn ra các cuộc biểu tình nhỏ hơn với sự tham gia của vài trăm người./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục