Ethiopia tiến hành giai đoạn 2 tích nước cho đập Đại phục hưng

Ethiopia tiến hành giai đoạn 2 tích nước, làm dấy lên căng thẳng giữa Ethiopia với các nước vùng hạ lưu là Ai Cập và Sudan trước thềm cuộc họp của Hội đồng Bảo an về tranh cãi giữa các bên liên quan.
Ethiopia tiến hành giai đoạn 2 tích nước cho đập Đại phục hưng ảnh 1Công trình xây dựng đập thủy điện Đại Phục Hưng ở Guba, Ethiopia (Ảnh: AFP/TTXVN)

Giới chức Ethiopia thông báo đã bắt đầu giai đoạn hai tích nước cho đập thủy điện Đại phục hưng (GERD) lớn nhất châu Phi.

Điều này làm dấy lên căng thẳng giữa Ethiopia với các nước vùng hạ lưu là Ai Cập và Sudan trước thềm cuộc họp của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc về tranh cãi giữa các bên liên quan đến đập thủy điện này.

Trong tuyên bố ngày 5/7, Ai Cập chỉ trích hành động của Ethiopia "vi phạm luật pháp và chuẩn mực quốc tế” khi điều chỉnh dự án được xây dựng trên lưu vực chung của các con sông quốc tế, đồng thời kiên quyết bác bỏ “biện pháp đơn phương” của Ethiopia.

Trước đó, hồi tháng 5/2021, Sudan cảnh báo sẵn sàng kiện công ty của Italy xây dựng con đập và Chính phủ Ethiopia nếu nước này đơn phương tiến hành giai đoạn tích nước tiếp theo. Tuy nhiên, Ethiopia cho rằng đây là một phần tất yếu của dự án và không thể trì hoãn bất chấp có đạt được thỏa thuận với các nước hay không.

[Sudan đề nghị HĐBA LHQ họp về đập thủy điện Đại phục hưng]

Đập thủy điện Đại phục hưng có chiều cao 145m và khả năng tích nước lên tới 74 tỷ m3. Dự án được xây dựng từ năm 2011 trên nhánh sông Nile Xanh, 1 trong 2 phụ lưu chính của sông Nile - vốn là nguồn cung cấp nước và điện thiết yếu cho hàng chục quốc gia ở Đông Phi.

Quá trình tích nước đã bắt đầu từ năm ngoái, đạt 4,9 tỷ m3 vào tháng 7/2020 và Ethiopia dự kiến sẽ tích trữ thêm 13,5 tỷ m3 nước trong đợt tích nước thứ hai này bất chấp sự phản đối của Ai Cập và Sudan.

Sudan và Ai Cập, hai quốc gia ở hạ nguồn sông Nile, đã đàm phán với Ethiopia từ một thập kỷ trước đây nhằm tiến tới một thỏa thuận về vấn đề trữ nước và vận hành đập GERD. Cả Khartoum và Cairo đều cho rằng nếu thiếu một thỏa thuận như vậy sẽ là mối đe dọa đối với an ninh nguồn nước của hai nước này.

Tiến trình đàm phán giữa ba nước đình trệ từ tháng Tư vừa qua do phía Ethiopia từ chối một số đề xuất của Sudan và Ai Cập về cơ chế đàm phán.

Theo kế hoạch, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sẽ nhóm họp vào ngày 8/7 để thảo luận về tranh cãi giữa các bên liên quan đến đập thủy điện này, theo đề xuất của Tunisia./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục