EU đe dọa áp thuế đối với khoảng 20 tỷ euro hàng nhập khẩu từ Mỹ

Ủy ban châu Âu (EC) đã đưa ra một danh sách các mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ trị giá khoảng 20 tỷ euro (22,6 tỷ USD) có thể bị áp thuế. Danh sách này dự kiến được công bố vào ngày 17/4.
EU đe dọa áp thuế đối với khoảng 20 tỷ euro hàng nhập khẩu từ Mỹ ảnh 1Xe Mercedes Benz tại cảng container ở Bremerhaven, miền Bắc Đức. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 12/4, nguồn tin ngoại giao châu Âu cho biết Ủy ban châu Âu (EC) đã đưa ra một danh sách các mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ trị giá khoảng 20 tỷ euro (22,6 tỷ USD) có thể bị áp thuế, nguyên nhân vì vụ tranh chấp xuyên Đại Tây Dương về trợ cấp cho các nhà sản xuất máy bay.

EC dự kiến sẽ công bố danh sách này vào ngày 17/4 đồng thời sẽ bắt đầu một quá trình tham vấn công khai, sau đó danh sách này có thể được điều chỉnh.

Trước đó, hôm 9/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đe dọa sẽ áp thuế đối với các sản phẩm của Liên minh châu Âu (EU) trị giá 11 tỷ USD với cáo buộc châu Âu trợ cấp không công bằng cho nhà sản xuất máy bay Airbus.

[Các nước EU "bật đèn xanh" cho đàm phán thương mại chính thức với Mỹ]

Các biện pháp đánh thuế của EU liên quan đến khiếu nại của Khối này lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về việc trợ cấp cho đối thủ Boeing của phía Mỹ.

Các trọng tài viên của WTO hiện còn phải xác định số tiền cuối cùng của các biện pháp đối kháng theo từng trường hợp.

EC cho biết đã bắt đầu chuẩn bị các biện pháp đối kháng trong vụ kiện với Boeing, tuy nhiên EC vẫn để mở các cuộc đàm phán với phía Mỹ, miễn là không bị gắn với các điều kiện tiên quyết và nhằm đạt được một kết quả công bằng.

Số tiền cuối cùng do trọng tài WTO quyết định cũng có thể chỉ ở mức thấp hơn.

EU ban đầu cũng yêu cầu WTO cho phép các biện pháp đối kháng trị giá 12 tỷ USD.

Phán quyết của trọng tài đối với EU không thể có trước tháng 3/2020.

Còn đối với các yêu cầu của phía Mỹ, phán quyết của WTO có thể được đưa ra vào tháng 6 hoặc tháng 7/2019.

Tranh chấp giữa Mỹ và EU về vấn đề trợ cấp bất hợp pháp cho các đại gia sản xuất máy bay để giúp họ có được lợi thế trong kinh doanh máy bay phản lực trên thị trường thế giới đã kéo dài từ nhiều năm qua.

Vụ kiện, đã được WTO thụ lý được gần 15 năm, đang tiến đến giai đoạn cuối của công tác trọng tài sau những chiến thắng từng phần cho cả hai bên.

Tuần tới, EU dự kiến sẽ bật đèn xanh cho việc bắt đầu các cuộc đàm phán thương mại chính thức với Mỹ nhằm thuyết phục nước này loại bỏ thuế đối với hàng hóa công nghiệp của EU và giảm bớt căng thẳng thương mại xuyên Đại Tây Dương./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục