EU sẵn sàng nối lại đàm phán Hiệp định thương mại tự do với Thái Lan

EU là đối tác thương mại lớn thứ 5 trên thế giới của Thái Lan, sau ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản và Mỹ. Thương mại song phương của Thái Lan với EU đạt tổng trị giá 44,5 tỷ USD trong năm 2019.
Tàu chở hàng cập cảng Laem Chabang tại tỉnh Chon Buri. (Nguồn: Bangkok Post)
Tàu chở hàng cập cảng Laem Chabang tại tỉnh Chon Buri. (Nguồn: Bangkok Post)

Theo tờ Bangkok Post, các quan chức cấp cao đã khẳng định Liên minh châu Âu (EU) sẵn sàng nối lại các cuộc đàm phán về Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) Thái Lan-EU càng sớm càng tốt.

Vụ trưởng Vụ châu Âu thuộc Bộ Ngoại giao Thái Lan Sasiwat Wongsinsawat và Phó Giám đốc điều hành Bộ phận phụ trách châu Á và Thái Bình Dương thuộc Cơ quan Hành động Đối ngoại châu Âu (EEAS) Paola Pampaloni mới đây đã đồng chủ trì Hội nghị Quan chức Cấp cao Thái Lan-EU lần thứ 15 diễn ra dưới hình thức trực tuyến.

Thông báo của Vụ châu Âu cho biết cuộc họp thường niên năm nay đã thảo luận về COVID-19 và tác động của đại dịch này đối với nền kinh tế, cũng như những tiến triển chính trị ở Thái Lan. Hai bên cũng đồng ý tăng cường quan hệ bằng cách ký kết Hiệp định Đối tác và Hợp tác vào cuối năm 2021.

EU khẳng định sẵn sàng nối lại các cuộc đàm phán FTA Thái Lan-EU càng sớm càng tốt. Các cơ quan liên quan sẽ thảo luận chi tiết tại cuộc họp của một ủy ban về thương mại và đầu tư vào tháng Mười Hai tới.

Đồng thời, Thái Lan và EU cũng bày tỏ mong muốn hợp tác chặt chẽ và rõ ràng, bao gồm cả trong cuộc chiến chống hoạt động đánh bắt cá trái phép, không báo cáo và không được quản lý (IUU) thông qua Mạng lưới ASEAN về Chống đánh bắt IUU, và bằng cách thiết lập Đối thoại An ninh Thái Lan-EU cũng như thúc đẩy bảo vệ người lao động thông qua đối thoại Lao động Thái Lan-EU.

[EVFTA giúp khai thông dòng chảy FDI chất lượng cao từ EU vào Việt Nam]

Hơn nữa, EU sẽ thảo luận một thỏa thuận tự nguyện về chống buôn bán gỗ bất hợp pháp với Cơ quan Thực thi Lâm luật, Quản trị và Thương mại.

Về kết nối, cả hai bên nhất trí rằng việc chỉ phụ thuộc vào các chính phủ để phát triển cơ sở hạ tầng là không còn thiết thực nữa và Hội nghị Á-Âu sắp tới sẽ tiếp tục công việc thúc đẩy chương trình nghị sự này.

EU là đối tác thương mại lớn thứ 5 trên thế giới của Thái Lan, sau ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản và Mỹ. Thương mại song phương của Thái Lan với EU đạt tổng trị giá 44,5 tỷ USD trong năm 2019, chiếm 9,2% kim ngạch thương mại của nước này với thị trường toàn cầu. Trong số đó, xuất khẩu chiếm 23,58 tỷ USD và nhập khẩu chiếm 20,91 tỷ USD.

Một nghiên cứu chung năm ngoái của Vụ Đàm phán Thương mại thuộc Bộ Thương mại Thái Lan và Viện Nghiên cứu Phát triển Tương lai cho biết một FTA với EU sẽ kích thích không chỉ xuất khẩu, mà còn cả nhập khẩu và đầu tư, giúp thúc đẩy tăng trưởng GDP của Thái Lan thêm 1,63 điểm phần trăm mỗi năm. Hiệp định, nếu được thực thi, dự kiến sẽ giúp tăng xuất khẩu lên 3,4%, nhập khẩu lên 3,4% và đầu tư tăng 2,7% một năm.

Sau khi tham khảo ý kiến của khu vực tư nhân Thái Lan, Vụ trưởng Vụ đàm phán Thương mại Auramon Supthaweethum mới đây cho biết tất cả đều đồng ý rằng Thái Lan nên khôi phục các cuộc đàm phán FTA với EU. Nếu không có hiệp định với EU, Thái Lan mất rất nhiều lợi thế cạnh tranh thương mại với các nước xuất khẩu khác./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục