Ủy ban châu Âu (EC) ngày 10/8 đã phê chuẩn khoản hỗ trợ 2,4 tỷ euro (tương đương 2,6 tỷ USD) trong vòng 6 năm cho các nước châu Âu; trong đó có Hy Lạp và Italy, hiện đang phải vật lộn để đối phó với làn sóng người di cư bất hợp pháp tăng cao.
Với khoảng 560 triệu euro dự kiến được giải ngân, Italy sẽ là nước được nhận phần lớn nhất trong khoản hỗ trợ này. Trong khi đó, con số này dành cho Hy Lạp là 473 triệu euro.
Hai nước châu Âu khác là Anh và Pháp cũng có tên trong danh sách các nước được EC hỗ trợ để đối phó với dòng người nhập cư đang tìm cách vượt qua tuyến đường hầm Channel xuyên eo biển Manche để từ Pháp sang Anh.
EC dự định sẽ thông qua thêm 13 chương trình hỗ trợ các nước đối phó cuộc khủng hoảng người di cư vào cuối năm nay và các nước thành viên EU sẽ chịu trách nhiệm triển khai các chương trình này.
Trước đó, ngày 4/8 vừa qua, EC đã tuyên bố sẽ hỗ trợ Pháp và Anh đối phó với cuộc khủng hoảng nhập cư qua tuyến đường hầm xuyên biển. Theo đó, EC sẽ có khoản hỗ trợ tài chính đầu tiên trị giá 20 triệu euro cho Pháp.
Ủy viên châu Âu phụ trách vấn đề nhập cư Dimitris Avramopoulos cho biết EC sẽ bắt đầu gửi khoản hỗ trợ đầu tiên cho Pháp, trong khi Anh đã nhận được 27 triệu euro. Những khoản tiền này được trích từ quỹ hỗ trợ dự phòng 266 triệu euro cho Pháp và 370 triệu euro cho Anh trong giai đoạn 2014-2020.
Ngoài ra, EC cũng đề xuất hỗ trợ Anh và Pháp về mặt kỹ thuật giúp đẩy nhanh việc xét duyệt các giấy tờ liên quan tới người tị nạn thông qua một văn phòng hỗ trợ. Cơ quan Bảo vệ biên giới châu Âu (Frontex) sẽ phối hợp với các nước chủ quản, nhận dạng và đăng ký người nhập cư...
Làn sóng người nhập cư ồ ạt đổ về cảng Calais, thuộc miền Bắc nước Pháp, điểm đến trước trước khi vào Anh bằng tuyến đường hầm qua eo biển Manche, nối liền Anh và Pháp đã trở thành đề tài nóng trong tuần qua. Lúc cao điểm có tới 2.000 người tìm cách trốn sang Anh chỉ trong một đêm. Nhiều người bất chấp cả tính mạng, đối đầu với các lực lượng an ninh tại đường hầm.
Kể từ tháng Sáu tới nay, ở khu vực đường hầm xuyên biển này đã có ít nhất 10 người di cư thiệt mạng khi tìm cách trốn lên tàu hỏa hoặc xe tải để sang Anh.
Hiện có khoảng 3.000 người di cư - chủ yếu đến từ các nước xung đột và đói nghèo gồm Syria, Eritrea, Sudan, Iran và Iraq, đang tập trung tại thành phố cảng Calais chờ cơ hội để vào Anh một cách trái phép./.