Fed có thể đưa ra quyết định tốt nhất sau những diễn biến hỗn loạn?

Theo chuyên gia, những diễn biến hỗn loạn của các ngân hàng Mỹ phát đi thông điệp rõ ràng rằng chính sách siết chặt tài chính, siết chặt tiền tệ bằng cách tăng lãi suất của Fed tiềm ẩn nguy cơ lớn.
Fed có thể đưa ra quyết định tốt nhất sau những diễn biến hỗn loạn? ảnh 1Trụ sở Fed ở Washington, DC, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC), cơ quan hoạch định chính sách của Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), họp phiên thường kỳ thứ hai về lãi suất trong năm 2023 từ ngày 21-22/3.

Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh hệ thống ngân hàng Mỹ vừa trải qua một cơn địa chấn vì sự sụp đổ của nhiều ngân hàng lớn.

Các chuyên gia kinh tế và giới đầu tư chia rẽ sâu sắc về việc liệu Fed có tiếp tục lộ trình tăng lãi suất hay không.

Ông William English, Giáo sư tại Trường Quản lý thuộc Đại học Yale, và từng là chuyên gia phân tích kinh tế hàng đầu của Fed, nhận định: "Fed đang đứng trước quyết định vô cùng khó khăn vì có rất nhiều luồng ý kiến khác nhau."

Trong vòng 1 năm qua, Fed đặt trọng tâm đẩy mạnh nỗ lực chống lạm phát, vốn ở mức cao kỷ lục 40 năm, bằng việc thực hiện liên tiếp 8 đợt tăng để đưa lãi suất từ mức 0% lên biên độ 4,5-4,75% như hiện nay. Chính sách này đã phần nào phát huy tác dụng và giúp "kìm cương" lạm phát.

[Nhà Trắng: Tổng thống Biden đặt trọn niềm tin vào Chủ tịch Fed]

Tuy nhiên, khó khăn nảy sinh sau khi ngành tài chính ngân hàng Mỹ chứng kiến sự sụp đổ nhanh chóng của hai ngân hàng lớn Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank (SB) hồi tuần trước, mà một trong những nguyên nhân chính là do Fed tăng mạnh lãi suất.

Những diễn biến hỗn loạn của thị trường ngân hàng Mỹ phát đi thông điệp rõ ràng rằng chính sách siết chặt tài chính, siết chặt tiền tệ bằng cách tăng lãi suất của Fed tiềm ẩn nguy cơ lớn.

Nhiều chuyên gia kinh tế hối thúc Fed cần cân nhắc thận trọng trước động thái tăng lãi suất tiếp theo.

Các nhà phân tích tại Goldman Sachs thậm chí dự đoán Fed “hãm phanh” lộ trình tăng lãi suất vì sự hỗn loạn của thị trường ngân hàng hiện nay, trong khi lạm phát trong ngắn hạn cũng có thể giảm mạnh.

Goldman Sachs đồng thời dự báo sẽ có thêm 3 đợt tăng 25 điểm cơ bản nữa vào tháng Năm, tháng Sáu và tháng Bảy, đưa biên độ lên 5,25-5,5%.

Trong khi đó, ông Mark Zandi, chuyên gia kinh tế của Moody’s Analytics, cho rằng việc Fed quá tập trung vào nỗ lực kiềm chế lạm phát có nguy cơ cuối cùng sẽ đẩy nền kinh tế Mỹ vào một cuộc suy thoái nhỏ.

Ông Zandi đánh giá: "Nếu Fed tăng lãi suất lúc này, điều đó là một sai lầm, và tôi sẽ gọi đó là một sai lầm nghiêm trọng. Nguy cơ suy thoái sẽ cao hơn đáng kể từ đó."

Fed có lẽ chưa quên bài học lịch sử hồi năm 2005-2006, thời điểm ngân hàng trung ương này thực hiện một loạt quyết định nâng lãi suất cơ bản từ 1% lên 5,25%. Mục đích năm đó của Fed cũng là kiểm soát lạm phát và hạ nhiệt nền kinh tế Mỹ đang phát triển quá nóng.

Tuy nhiên, chính sách của Fed đã bóp nghẹt dòng tiền, đẩy hàng loạt ngân hàng vào chỗ điêu đứng. Và đó chính là một trong những nguyên nhân chính gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế giai đoạn 2008-2009.

Fed có thể đưa ra quyết định tốt nhất sau những diễn biến hỗn loạn? ảnh 2Đồng 100 USD. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Song nhiều chuyên gia kinh tế lại cho rằng việc Fed thực hiện một cú “xoay trục” và ngừng chính sách tăng lãi suất, vào thời điểm ngành ngân hàng mới chỉ trải qua một cơn bão nhỏ, sẽ làm lung lay niềm tin của thị trường và uy tín của chính Fed.

Ông Doug Roberts, nhà sáng lập và là trưởng nhóm chiến lược đầu tư tại Channel Capital Research, cho rằng “Fed cần phải hành động, bằng không họ sẽ để mất uy tín. Tăng 0,25 điểm phần trăm cũng là thông điệp. Tôi không cho rằng Fed sẽ đảo ngược hoàn toàn chính sách.”

Trong một tuyên bố mới đây, Fed khẳng định lạm phát vẫn ở mức cao và cần phải được hạ về mức bình thường. Ngân hàng này tuyên bố mục tiêu đưa tỷ lệ lạm phát về ngưỡng mục tiêu 2% chưa có gì thay đổi.

Một tín hiệu khác cho thấy khả năng Fed sẽ tiếp tục chính sách tăng lãi suất đó là nguy cơ sụp đổ dây chuyền của ngành ngân hàng Mỹ đã tạm thời được đẩy lùi.

Bộ Tài chính Mỹ, Tổ chức Bảo hiểm tiền gửi liên bang (FDIC) và Fed đã chung tay kịp thời trấn an thị trường khi tuyên bố đảm bảo tiền gửi cho khách hàng tại hai ngân hàng SVB và Signature Bank.

Fed cũng thành lập một chương trình cấp thanh khoản mới để đáp ứng nhu cầu của các ngân hàng đang gặp khó khăn.

Bên cạnh đó, số liệu kinh tế 2 tháng đầu năm của Mỹ cũng củng cố chủ trương tăng lãi suất của Fed.

Theo Bộ Lao động Mỹ, số đơn xin hưởng trợ cấp thất nghiệp đang giảm xuống, thị trường việc làm và nhà ở khởi sắc hơn, qua đó cho thấy nền kinh tế Mỹ đang lấy lại đà tăng trưởng.

Trong bối cảnh ấy, giới chuyên gia kinh tế dự báo Fed sẽ tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm sau cuộc họp này.

Thế khó của Fed hiện nay là ngân hàng này gần như không thể đưa ra quyết định tốt nhất, mà đó chỉ là quyết định an toàn và hài hòa nhất.

Việc Fed không tăng, tăng nhẹ hay tiếp tục tăng mạnh lãi suất chắc chắn sẽ đối mặt với phản ứng trái chiều từ thị trường, thậm chí có nhiều chỉ trích.

Mắc kẹt giữa cuộc chiến chống lạm phát và cơn bão bất ổn đang tràn qua khu vực ngân hàng, quyết định về lãi suất của Fed ở thời điểm đặc biệt nhạy cảm này sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ và trực tiếp tới uy tín của Fed, tới thị trường tài chính-ngân hàng nói riêng và nền kinh tế Mỹ nói chung./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục