Fed trước cuộc chiến chống lạm phát đang khó khăn hơn

Trong khi hầu hết các nhà đầu tư nhận định Fed sẽ tăng lãi suất 75 điểm cơ bản, lên 3-3,25%, các thị trường chờ các dự báo kinh tế hàng quý sẽ được công bố cùng với quyết định về chính sách.
Fed trước cuộc chiến chống lạm phát đang khó khăn hơn ảnh 1Trụ sở Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tại Washington, D.C. (Ảnh: THX/TTXVN)

Kết thúc cuộc họp trong 2 ngày 20-21/9, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) được cho là sẽ nâng lãi suất 75 điểm cơ bản lần thứ ba liên tiếp và phát tín hiệu về mức độ và tốc độ tăng lãi suất cần để kiểm soát tình trạng lạm phát cao.

Quyết định chính sách của Fed sẽ được công bố lúc 1800 GMT (1 giờ sáng 22/9 theo giờ Việt Nam) sẽ là động thái mới nhất trong xu hướng tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu, điều đang thử thách khả năng ứng phó của các nền kinh tế cũng như của các nước trong việc phản ứng trước các cú sốc tỷ giá khi đồng USD mạnh lên. 

Trong khi hầu hết các nhà đầu tư nhận định Fed sẽ tăng lãi suất 75 điểm cơ bản, lên 3-3,25%, các thị trường chờ các dự báo kinh tế hàng quý sẽ được công bố cùng với quyết định về chính sách.

Các dự báo mới sẽ cho thấy các nhà hoạch định chính sách của Fed có thể sẽ nâng lãi suất đến mức nào, lạm phát cần bao lâu sẽ hạ nhiệt và tăng trưởng kinh tế cũng như việc làm có thể chịu tác động ra sao. 

[Mỹ: Fed nhóm họp về khả năng tiếp tục tăng lãi suất cơ bản]

Cuộc chiến chống lạm phát có thể khó khăn hơn dự kiến, khi lãi suất có thể vượt mức 4% vào cuối năm 2022, so với mức 3,4% theo dự báo được đưa ra hồi tháng Sáu và tỷ lệ thất nghiệp tăng.  

Các nhà kinh tế của Deutsche Bank nhận định, khi không có nhiều dấu hiệu cho thấy sức ép lạm phát đã yếu đi, Chủ tịch Fed Jerome Powell có thể một lần nữa nhấn mạnh đến cam kết sẽ làm bất kỳ những gì cần thiết để đưa lạm phát về mức mục tiêu, dù điều này có thể gây suy thoái kinh tế. Fed sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa và những tác động đến thị trường việc làm sẽ lớn hơn.

Deutsche Bank cho rằng Fed cuối cùng sẽ phải nâng lãi suất lên khoảng 5%, gần mức kỷ lục 5,25% được áp dụng vào giai đoạn giữa năm 2006 đến năm 2007, khi các nhà hoạch định chính sách lo ngại về bong bóng trên thị trường bất động sản và là mức có thể gây căng thẳng cho hệ thống tài chính toàn cầu.   

Tăng lãi suất đã trở thành xu hướng chung trên toàn cầu, khi các ngân hàng trung ương điều chỉnh chính sách mạnh chưa từng có kể từ những năm 1990 trong giai đoạn cuối của cuộc chiến chống lạm phát ở các nước phát triển.

Ngân hàng Trung ương châu Âu đầu tháng này đã tăng lãi suất 75 điểm cơ bản lần đầu tiên, trong khi Ngân hàng trung ương Thụy Điển trong tuần này cũng nâng lãi suất 1 điểm phần trăm lần đầu tiên trong 30 năm.

Ngân hàng trung ương Anh và các Ngân hàng trung ương Thụy Sỹ cùng với Na Uy sẽ họp trong tuần này, và được dự báo sẽ thông báo các quyết định tăng mạnh lãi suất.

Các quyết định tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương có thể tác động lẫn nhau, khi quyết định của ngân hàng nước này sẽ ảnh hưởng đến giá trị các đồng tiền, giá cả và hoạt động thương mại, buộc các ngân hàng ở các nước khác phải hành động, đặc biệt là ở các thị trường mới nổi, khi biến động tỷ giá có thể gây ra những cú sốc tài chính không mong muốn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục