Gần 45.000 ca nhiễm COVID-19 là công nhân, viên chức lao động

Cả nước có trên 2 triệu công nhân lao động phải nghỉ việc, giãn việc do doanh nghiệp tạm dừng hoạt động hoặc do người lao động bị cách ly, điều trị bệnh, ở trong khu vực phong tỏa.
Trao tặng quà cho công nhân lao động gặp khó khăn do COVID-19. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)
Trao tặng quà cho công nhân lao động gặp khó khăn do COVID-19. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Theo báo cáo của các cấp công đoàn, tính đến ngày 13/9, cả nước đã có 44.554 ca nhiễm COVID-19 là công nhân, viên chức lao động tại địa bản 51 tỉnh, thành phố trên tổng số 608.998 ca lây nhiễm, chiếm tỷ lệ 7,31%.

Đặc biệt, theo thống kê đã có 129 công nhân, viên chức, lao động tử vong có liên quan tới COVID-19.

Thông tin trên được đưa ra tại hội nghị trực tuyến với các địa phương, ngành về phòng chống dịch COVID-19 và chăm lo, hỗ trợ đoàn viên lao động do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức ngày 14/9.

Hơn 2 triệu lao động mất việc, giãn việc

Bà Trần Thị Thanh Hà, Trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết do nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đã áp dụng giãn cách xã hội toàn tỉnh, thành phố theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ từ ngày 09/7 đến nay nên nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động, thu hẹp sản xuất, giải thể.

“Cả nước có trên 2 triệu công nhân lao động phải nghỉ việc, giãn việc, nghỉ luân phiên, mất việc làm do doanh nghiệp tạm dừng hoạt động hoặc do người lao động bị cách ly, điều trị bệnh, ở trong khu vực phong tỏa. Con số này vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại,” bà Hà cho hay.

Bên cạnh đó, một số tỉnh, thành phố chỉ cho sản xuất, kinh doanh nếu doanh nghiệp thực hiện đúng “3 tại chỗ" (ăn, nghỉ, làm việc tại cơ quan, doanh nghiệp) hoặc “1 cung đường, 2 điểm đến." Tình hình công nhân, viên chức, lao động tại các doanh nghiệp này cũng gặp rất nhiều khó khăn.

Theo số liệu báo cáo chưa đầy đủ, tính đến ngày 13/9, công đoàn các cấp đã chi và đang triển khai thủ tục chỉ hỗ trợ đoàn viên, người lao động gặp khó khăn do COVID-19, các lực lượng tuyến đầu chống dịch từ nguồn tài chính công đoàn, nguồn xã hội hóa với tổng số tiền trên 4.375 tỷ đồng.

Gần 45.000 ca nhiễm COVID-19 là công nhân, viên chức lao động ảnh 1

Đề xuất hỗ trợ thêm 31.000 lao động "3 tại chỗ"

Ông Phạm Chí Tâm, Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh cho biết trên địa bàn có 1.540 doanh nghiệp với xấp xỉ 120.000 công nhân đang thực hiện mô hình "3 tại chỗ." Còn mô hình "1 cung đường, 2 điểm đến" có 196 doanh nghiệp với trên 52.000 lao động.

Công đoàn các cấp ở Thành phố Hồ Chí Minh đã chăm lo cho hơn 92.600 lao động với trên 54 tỷ đồng; 150.000 phần quà, nhu yếu phẩm đã được trao cho công nhân lao động; hơn 15.000 nhà trọ miễn giảm tiền thuê trọ cho 333.000 lao động (khoảng 42 tỷ đồng)…

[TP Hồ Chí Minh: Hỗ trợ hơn 1,2 triệu lao động bị ảnh hưởng của dịch]

Ông Phạm Chí Tâm chia sẻ thực tế triển khai hỗ trợ còn nhiều khó khăn, các quyết định phong tỏa, cách ly tại nhà, xác nhận cơ quan y tế, danh sách bệnh nhân thiếu thông tin… dẫn tới việc đề xuất chăm lo cho đoàn viên lao động có vướng mắc. Việc hỗ trợ lao động trong doanh nghiệp "3 tại chỗ" gặp khó khăn do thiếu hướng dẫn về điều kiện doanh nghiệp đóng công đoàn phí, đóng tới thời điểm nào…

Ông kiến nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hướng dẫn chi tiết doanh nghiệp hưởng hỗ trợ khi thực hiện "3 tại chỗ" và xem xét chi hỗ trợ lao động cho công nhân ở doanh nghiệp thực hiện "1 cung đường, 2 điểm đến."

Đặc biệt, ông Tâm đề xuất xem xét bổ sung hỗ trợ lao động làm việc "3 tại chỗ" ở lĩnh vực thương mại, dịch vụ... Hiện nay, theo thống kê có hơn 31.000 người lao động ở hơn 1.000 đơn vị đang làm việc vị trí nhân viên siêu thị, nhân viên bảo vệ trường học… rất cần được nghiên cứu bổ sung hỗ trợ.

Ngoài ra, ông Phạm Chí Tâm kiến nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho phép thực hiện gói hỗ trợ khẩn cấp lần thứ 2 với số lượng khoảng 200.000 phần nhu yếu phẩm, mỗi phần trị giá 250.000 đồng để hỗ trợ đoàn viên, lao động trong thời điểm bắt đầu đi làm lại. Ông Tâm lý giải, người lao động đi làm lại thì phải nửa tháng sau mới có lương, nên việc hỗ trợ ngay trong thời gian này là rất ý nghĩa.

Đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho hay sẽ tiếp tục nghiên cứu, ban hành các chính sách hỗ trợ người lao động và chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp. Tổ chức công đoàn cũng đang xem xét bổ sung chính sách hỗ trợ người lao động đang làm việc ở các doanh nghiệp theo mô hình “1 cung đường, 2 điểm đến".../.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục