Gấp rút hoàn thành dự án đường Vành đai 2, đoạn cầu Vĩnh Tuy-Ngã Tư Sở

Dự án huyết mạch quan trọng đường vành đai 2, đoạn cầu Vĩnh Tuy-Ngã Tư Sở đến nay đã hoàn thành đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến cầu Mai Động và đoạn từ Ngã Tư Sở đến Ngã Tư Vọng.
Gấp rút hoàn thành dự án đường Vành đai 2, đoạn cầu Vĩnh Tuy-Ngã Tư Sở ảnh 1Thi công cầu cạn trên cao tại khu vực cầu vượt Ngã Tư Vọng nối đường Đại La với đường Trường Chinh. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Thành phố Hà Nội đã tập trung chỉ đạo đẩy nhanh thi công các công trình trọng điểm, đóng vai trò quan trọng cho phát triển kinh tế Thủ đô.

Dự án huyết mạch quan trọng đường vành đai 2, đoạn cầu Vĩnh Tuy-Ngã Tư Sở đến nay đã hoàn thành đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến cầu Mai Động và đoạn từ Ngã Tư Sở đến Ngã Tư Vọng.

Tiến độ toàn dự án ước đạt trên 70% khối lượng công việc. Hiện, dự án đường vành đai 2 trên cao đang gấp rút hoàn thành để đảm bảo tiến độ đã đề ra.

Đối với dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn-Ga Hà Nội có chiều dài 12,5km, gồm 8,5km đường trên cao và 4km đi ngầm với tổng mức đầu tư 32,9 nghìn tỷ đồng.

Đến thời điểm hiện tại, tiến độ toàn dự án đạt 74,7%; trong đó, tiến độ thi công đoạn trên cao đạt 95,3%; đoạn ngầm đạt 33%.

Thành phố đang cùng chủ đầu tư tập trung hoàn thiện nốt các phần việc trên cao để đưa vào khai thác thương mại cuối năm 2022. Đồng thời, tiếp tục xử lý các vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ đoạn đi ngầm.

Dự án cầu Vĩnh Tuy (giai đoạn 2), khởi công tháng 01/2021 với tổng mức đầu tư hơn 2,5 nghìn tỷ đồng.

Cầu có tổng chiều dài và đường dẫn hơn 3,5km, mặt cắt ngang 19,3m; điểm đầu giao với đường Nguyễn Khoái và phố Minh Khai, điểm cuối giao với đường Long Biên-Thạch Bàn, đường Cổ Linh.

Đến nay, đã giải ngân được 37,5% kế hoạch vốn năm 2022, dự án đang tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng các trụ cầu giữa lòng sông, phấn đấu hoàn thành trước mùa lũ năm nay.

Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 sau khi khớp nối với đường vành đai 2 trên cao sẽ tạo thành trục giao thông hoàn chỉnh từ trung tâm Hà Nội tới khu vực phía Bắc và Đông Bắc Thành phố, đồng thời sẽ giải quyết bớt áp lực cho tuyến giao thông trọng điểm của Thủ đô, nhất là giảm tải lưu lượng xe trên cầu Thanh Trì và đường Vành đai 3. Dự kiến thời gian hoàn thành toàn dự án vào tháng 6/2023. 

[Các dự án đường vành đai: Cần giám sát để hạn chế sai sót]

Bên cạnh đó Dự án Cung Thiếu nhi Hà Nội khởi công tháng 3/2021 do Ban Quản lý dự án xây dựng công trình văn hóa-xã hội Hà Nội làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư hơn 1.376 tỷ đồng.

Công trình được xây dựng tại Khu công viên và hồ điều hòa CV1 (thuộc Khu đô thị mới Cầu Giấy, nơi giáp ranh giữa quận Cầu Giấy và quận Nam Từ Liêm). 

Tổng diện tích dành cho dự án là 39,6 nghìn m2; trong đó, diện tích xây dựng là 10,3 nghìn m2 với các hạng mục nhà hát 800 chỗ, rạp chiếu phim 3D-4D 200 chỗ, nhà thi đấu 500 chỗ, bể bơi 10 làn bơi, nhà học và thư viện Tháp Thiên văn… kết hợp với trang thiết bị tự động thông minh, chất lượng cao phục vụ công việc vận hành theo quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành.

Hiện nay, dự án đang triển khai ở giai đoạn 1, kết quả giải ngân đạt 79,3% kế hoạch vốn năm 2022, tiến độ thi công toàn dự án đạt 35%. Dự kiến thời gian hoàn thành toàn dự án vào năm 2024.

Quý 2 năm nay là giai đoạn phục hồi kinh tế-xã hội sau đại dịch COVID-19.

Cùng với việc xúc tiến, thu hút đầu tư, thành phố Hà Nội đã chỉ đạo, đôn đốc các chủ đầu tư, các đơn vị thi công tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, dự án trọng điểm, phát triển hạ tầng, góp phần đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp và hộ dân cư cũng tiến hành khởi công xây dựng xưởng sản xuất, kho chứa hàng, văn phòng kinh doanh, nhà ở...

Tuy nhiên, giá nguyên vật liệu xây dựng và chi phí vận chuyển cùng với chi phí nhân công tăng cao đã ảnh hưởng đến tiến độ thi công một số công trình, dự án thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước, công trình xây dựng của doanh nghiệp và hộ dân cư./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục