Giá dầu phục hồi phiên giao dịch 7/7 tại thị trường châu Á

Phiên chiều 7/7, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao kỳ hạn tăng 0,2% lên 98,71 USD/thùng, giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn cũng tiến 0,2% lên 100,85 USD/thùng.
Giá dầu phục hồi phiên giao dịch 7/7 tại thị trường châu Á ảnh 1Bơm xăng cho phương tiện tại một trạm xăng ở Wellington (New Zealand) ngày 22/4/2022. (Ảnh: THX/TTXVN)

Giá dầu bật tăng trở lại trong phiên giao dịch chiều 7/7 tại thị trường châu Á, sau khi sụt giảm mạnh trong hai phiên trước đó, do các nhà đầu tư hướng sự chú ý vào nguồn cung dầu bị thắt chặt ngay cả khi lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu vẫn hiện hữu.

Phiên chiều 7/7, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao kỳ hạn tăng 18 xu Mỹ (0,2%), lên 98,71 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn cũng tiến 16 xu Mỹ (0,2%), lên 100,85 USD/thùng.

Warren Patterson, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu hàng hóa của ngân hàng ING (Hà Lan) cho biết: “Những lo ngại về suy thoái tiếp tục gia tăng và điều đó làm dấy lên một số quan ngại về triển vọng nhu cầu tiêu thụ năng lượng. Tuy nhiên, các nguyên tắc cơ bản trên thị trường vẫn hỗ trợ giá dầu, làm hạn chế tác động tiêu cực của những yếu tổ bất lợi.”

Ông Patterson nói thêm rằng thật khó để giá dầu giảm quá mức khi chênh lệch hàng tháng giữa giá của một thùng dầu Brent và sản phẩm hóa dầu từ nó tiếp tục duy trì mức cao, cho thấy nguồn cung vẫn đang bị thắt chặt.

[Nỗi lo suy thoái đè nặng lên giá dầu châu Á trong sáng 4/7]

Ngoài ra, ông Patterson cho hay các cuộc đàm phán hạt nhân của Iran gần đây “dường như không đạt được nhiều tiến bộ," qua đó góp phần nâng đỡ giá dầu. Mỹ đã thắt chặt các lệnh trừng phạt đối với Iran hôm 6/7, gây sức ép lên Tehran khi nước này đang tìm cách “hồi sinh” thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015.

Công ty tư vấn rủi ro Eurasia Group (Mỹ) đã giảm tỷ lệ dự đoán về khả năng đạt được thỏa thuận giữa Mỹ và Iran trong năm nay từ 40% xuống 35%.

Trong những tuần gần đây, giá dầu đã trượt dốc cùng với các mặt hàng khác như kim loại và dầu cọ, khi hàng loạt ngân hàng trung ương lớn trên toàn thế giới tăng lãi suất để chống lại đà leo thang của lạm phát, làm dấy lên lo ngại về suy thoái kinh tế trên toàn cầu và ảnh hưởng đến nhu cầu hàng hóa.

Dầu Brent và WTI đóng cửa phiên 6/7 ở mức thấp nhất kể từ ngày 11/4, nối gót đà giảm vào phiên trước đó mặc dù nguồn cung toàn cầu còn eo hẹp.

Công ty tư vấn năng lượng FGE (Singapore) vẫn kỳ vọng nhu cầu dầu mỏ sẽ tăng khoảng 2 triệu thùng mỗi ngày cho đến cuối năm 2023, do sự suy thoái kinh tế đang diễn ra một phần được đẩy lùi bằng sự phục hồi liên tục trong hoạt động dịch chuyển trên toàn cầu.

Các nhà đầu tư hiện đang chờ đợi dữ liệu của chính phủ Mỹ về lượng nhiên liệu dự trữ hàng tuần./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục