Giá dầu thế giới quay đầu giảm trong hai phiên giao dịch cuối tuần

Chuyên gia phân tích cho rằng thị trường dầu thế giới đang diễn biến không dựa trên các nguyên tắc cơ bản về cung và cầu, mà phụ thuộc vào mối lo ngại liên quan đến hệ thống ngân hàng.
Giá dầu thế giới quay đầu giảm trong hai phiên giao dịch cuối tuần ảnh 1Bơm dầu thô tại một cơ sở lọc dầu ở Salt Lake City, bang Utah, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trái ngược với diễn biến tích cực vào đầu tuần, giá dầu thế giới quay đầu giảm liên tiếp trong hai phiên giao dịch cuối tuần này, sau khi các cổ phiếu ngân hàng châu Âu giảm mạnh và Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Jennifer Granholm cho biết việc bổ sung Kho dự trữ dầu chiến lược (SPR) có thể mất vài năm, qua đó làm giảm triển vọng nhu cầu dầu.

Sau khi giảm xuống mức thấp nhất trong 15 tháng do lo ngại rủi ro trong lĩnh vực ngân hàng có thể gây ra suy thoái kinh tế và làm giảm nhu cầu nhiên liệu, giá dầu khởi đầu tuần mới khá thuận lợi khi liên tục đi lên 3 phiên liên tiếp.

Nhà phân tích Phil Flynn của công ty dịch vụ tài chính Price Futures Group cho biết thị trường đang diễn biến không dựa trên các nguyên tắc cơ bản về cung và cầu, mà phụ thuộc vào mối lo ngại liên quan đến các ngân hàng.

Một số giám đốc điều hành đang kêu gọi ngân hàng trung ương tạm dừng thắt chặt chính sách tiền tệ và tiếp tục tăng lãi suất sau đó.

Các nhà phân tích của ngân hàng ING Bank cho rằng những biến động có thể sẽ kéo dài trong tuần này, khi những lo ngại lớn hơn về thị trường tài chính vẫn là vấn đề hàng đầu.

Sau cuộc họp kéo dài hai ngày, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngày 22/3 đã đưa ra quyết định tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản (0,25 điểm phần trăm), nhưng cho biết sẽ sớm dừng việc nâng lãi suất trong tương lai trong bối cảnh bất ổn trong lĩnh vực tài chính sau sự sụp đổ của Ngân hàng Silicon Valley (SVB) và Signature Bank.

Sau quyết định trên của Fed, đồng USD giảm xuống mức thấp nhất kể từ ngày 2/2 so với rổ các đồng tiền chủ chốt, khiến cho dầu vốn là hàng hóa được định giá bằng đồng tiền này trở nên rẻ hơn đối với người mua nắm giữ các đồng tiền khác.

Xu hướng bán tháo chốt lời đã khiến dầu đảo chiều giảm giá trong phiên 23/3 và đà đi xuống tiếp diễn trong phiên cuối tuần ngày 24/3.

Kết thúc phiên này, giá dầu Brent giao kỳ hạn giảm 92 xu (tương ứng 1,2%) còn 74,99 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ cũng mất 70 xu (tương đương 1%) xuống 69,26 USD/thùng.

Cả hai loại dầu này đều ghi nhận mức tăng trong cả tuần, khi tình hình bất ổn của ngành ngân hàng dịu xuống. Trong tuần trước, giá dầu Brent và WTI đồng loạt ghi nhận mức sụt giảm mạnh nhất trong nhiều tháng.

[OPEC+ có thể tiếp tục thỏa thuận cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày]

Nhóm cổ phiếu ngân hàng trượt dài vào đầu phiên tại châu Âu với Deutsche Bank và UBS Group bị tác động mạnh bởi lo lắng rằng những vấn đề tồi tệ nhất trong lĩnh vực này kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 vẫn chưa được giải quyết.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã triệu tập cuộc họp bất thường với Hội đồng Giám sát Ổn định Tài chính vào sáng ngày 24/3.

Đồng USD mạnh, với mức tăng 0,6% so với các đồng tiền khác, cũng phần nào châm ngòi cho đà bán tháo.

Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Jennifer Granholm nói với các nhà lập pháp rằng Mỹ sẽ khó tận dụng giá thấp trong năm nay để bổ sung vào kho dự trữ, vốn đang ở mức thấp nhất kể từ năm 1983 sau đợt xả kho do Tổng thống Joe Biden chỉ đạo vào năm ngoái.

Tuy nhiên, dầu đã nhận được một số hỗ trợ từ kỳ vọng nhu cầu mạnh mẽ từ Trung Quốc. Goldman Sachs cho biết nhu cầu hàng hóa đang gia tăng tại quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, với nhu cầu dầu lên tới 16 triệu thùng/ngày./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục