Giá dầu thế giới trải qua tháng giảm mạnh nhất kể từ tháng 8

Khép phiên giao dịch, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 2,87 USD (3,9%) xuống 70,57 USD/thùng, sau khi chạm mức thấp trong phiên là 70,22 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 8/2021.
Giá dầu thế giới trải qua tháng giảm mạnh nhất kể từ tháng 8 ảnh 1Ảnh minh họa (Nguồn: AFP/TTXVN)

Giá dầu thế giới giảm trong phiên cuối cùng của tháng 11 (30/11) sau khi Giám đốc điều hành hãng dược Moderna cnhr báo về hiệu quả của các loại vaccine ngừa COVID-19 hiện có đối với biến thể Omicron, tác động đến các thị trường tài chính và làm gia tăng lo ngại về nhu cầu dầu.

Khép phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 2,87 USD (3,9%) xuống 70,57 USD/thùng, sau khi chạm mức thấp trong phiên là 70,22 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 8/2021. Giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) giảm 3,77 USD (5,4%) xuống 66,18 USD/thùng, sau khi chạm mức thấp nhất kể từ tháng 8/2021 trong phiên là 64,43 USD/thùng.

Hai hợp đồng dầu chủ chốt này đã khép lại tháng 11/2021 với mức giảm nhiều nhất tính theo tháng kể từ tháng 3/2020, trong đó dầu Brent giảm 16,4%, còn dầu giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) giảm 20,8%, do biến thể mới gây dịch COVID-19 cùng với đồn đoán nguồn cung trên thị trường sẽ trở nên dư thừa do các đợt mở kho dự trữ dầu của nhiều nước, qua đó “cắt đứt” đà tăng kéo dài cả năm qua của thị trường.

Tuy vậy, giá dầu WTI đã tăng vọt sau khi đóng phiên giao dịch, lên mức 66,74 USD/thùng nhờ số liệu cho thấy dự trữ dầu thô của Mỹ đã giảm ít hơn dự báo giảm 1,2 triệu thùng dầu mà hãng tin Reuters đưa ra.

Các nguồn tin thị trường dẫn số liệu cả Viện Xăng Dầu Mỹ (API) cho thấy dự trữ dầu Mỹ đã giảm 747.000 thùng trong tuần trước. Số liệu chính thức sẽ được Chính phủ Mỹ công bố ngày 1/12.

[Reuters: Triển vọng giá dầu bấp bênh trước mối đe dọa Omicron]

Louise Dickson, nhà phân tích thị trường dầu cao cấp của Rystad Energy, cho biết mối đe dọa đối với nhu cầu dầu là hiện hữu. Một làn sóng phong tỏa khác liên quan đến dịch bệnh dẫn đến nhu cầu dầu giảm tới 3 triệu thùng/ngày trong quý 1/2022.

Bên cạnh đó, tờ Financial Times dẫn lời người đứng đầu hãng dược Moderna cho hay vaccine ngừa COVID-19 không có hiệu quả trong việc khống chế biến thể Omicron như với biến thể Delta.

Một yếu tố khác cũng gây sức ép lên giá dầu là Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed, ngân hàng trung ương nước này) Jerome Powell cho biết ngân hàng này có thể sẽ thảo luận về việc tăng tốc độ giảm mua trái phiếu quy mô lớn tại cuộc họp chính sách tiếp theo, trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi và đồn đoán lạm phát sẽ tiếp tục tăng vào giữa năm 2022.

Hiện chưa rõ liệu Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, hay gọi là OPEC+, có trì hoãn kế hoạch cung cấp thêm 400.000 thùng/ngày vào tháng 1/2022 hay không. Nhóm này đã cân nhắc những tác động của việc Mỹ và các nước khác tuyên bố mở kho dự trữ  dầu thô khẩn cấp vào tuần trước để điều chỉnh giá năng lượng.

Nhà phân tích Edward Moya của OANDA cho biết sau các đợt mở kho dự trữ dầu chiến lược toàn cầu và hàng chục quốc gia thông báo hạn chế đi lại ... OPEC+ có thể dễ dàng "biện minh" cho việc ngừng sản xuất hay thậm chí cắt giảm nhẹ sản lượng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục