Gia Lai hỗ trợ xây dựng 570 nhà tiêu hợp vệ sinh tại 9 xã khó khăn

Tỷ lệ hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh ở vùng miền núi, vùng người dân tộc và người nghèo của Gia Lai còn rất thấp so với trung bình cả nước.
Gia Lai hỗ trợ xây dựng 570 nhà tiêu hợp vệ sinh tại 9 xã khó khăn ảnh 1Ảnh minh hoạ. (Ảnh: Quang Cường/TTXVN)

Theo đánh giá của Cục Quản lý môi trường Y tế (Bộ Y tế), nhu cầu về nhà tiêu hợp vệ sinh của người dân nông thôn, đặc biệt là người nghèo, người dân tộc miền núi vẫn còn rất lớn. Tỷ lệ hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh ở vùng miền núi, vùng người dân tộc và người nghèo còn rất thấp so với trung bình cả nước.

[Cách nhận diện sớm một số bệnh không lây nhiễm phổ biến]

Những năm qua, ngành y tế Gia Lai đẩy mạnh chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” được thực hiện trong giai đoạn 2016-2020 từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB).

Theo đó, chương trình sẽ hỗ trợ xây dựng 570 nhà tiêu hợp vệ sinh tại 9 xã thuộc 7 huyện trong tỉnh. Đây là yếu tố quan trọng góp phần thay đổi hành vi vệ sinh ở nông thôn.

Khi chương trình được thực hiện, tỷ lệ hộ dân có nhà tiêu hợp vệ sinh đang dần thay đổi tích cực. Tính đến năm 2017, tỷ lệ hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh toàn tỉnh Gia Lai là 53%; số hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh vùng nông thôn là 118.396; tỷ lệ trường học tại xã vùng nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh là 1.039/1.989 trường học, đạt tỷ lệ 56,25%.

Hiện tại còn 870/1.989 trường học (chiếm tỷ lệ 43,74%) tại xã thuộc vùng nông thôn của tỉnh chưa có nhà tiêu hoặc có nhà tiêu nhưng không hợp vệ sinh, nhiều nhà tiêu xuống cấp nghiêm trọng.

Các xã được chọn triển khai đều là xã trọng điểm mà theo khảo sát trước đó số hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh còn khá thấp, trung bình chỉ 52%. Đó là các xã: Đak Rong (huyện Kbang), Ia Phang (huyện Chư Pưh), Ia Ka, Hòa Phú (huyện Chư Pah), Ia Sao, Ia Hrung (huyện Ia Grai), Ia Hiao (huyện Phú Thiện), Đak Yă (huyện Mang Yang) và Ia Glai (huyện Chư Sê).

Những năm qua, nhận thức người dân đã được nâng lên, nhiều thói quen, hành vi vệ sinh chưa chuẩn mực đã thay đổi theo chiều hướng tích cực.

Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế khó khăn, nhiều gia đình không xây dựng nhà tiêu hoặc có xây dựng nhưng không hợp vệ sinh gây ảnh hưởng môi trường, dẫn đến nguy cơ bệnh tật./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục