Giá xăng tăng 'phi mã', cước vận tải vẫn ngóng chờ tín hiệu thị trường

Giá xăng tăng 'phi mã', cước vận tải vẫn phải… nhìn trước, ngó sau

Trong bối cảnh giá xăng dầu liên tục “leo thang” thời gian qua, các doanh nghiệp vận tải vẫn chưa dám tăng cước bởi lo ngại sẽ không có hành khách đi xe.
Các đơn vị vận tải đang gặp nhiều khó khăn khi lượng khách sụt giảm và giá xăng dầu tăng cao. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Các đơn vị vận tải đang gặp nhiều khó khăn khi lượng khách sụt giảm và giá xăng dầu tăng cao. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Giá xăng dầu liên tục "leo thang” đã khiến các doanh nghiệp vận tải gặp phải khó khăn chồng chất khi tần suất xe chạy giảm do lượng khách quá ít.

Trong hoàn cảnh này, các hãng vận tải vẫn “thắt lưng, buộc bụng” chịu lỗ và ngóng chờ tín hiệu thị trường giá xăng dầu cũng như vận tải khách trong giai đoạn bình thường mới này.

Theo ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Minh Thành Phát (hãng xe Sao Việt), hiện doanh nghiệp chưa có kế hoạch tăng giá vé. Doanh nghiệp vận tải đang “choáng” chưa nghĩ ra cách gì để bù đắp lỗ và phát triển sản xuất kinh doanh.

Ông Bằng đánh giá, giá xăng dầu tăng như ngày 21/2 vẫn ở mức cầm chừng và dự kiến sẽ còn tăng. Theo giá xăng dầu thế giới và giá chiết khấu của các nhà cung cấp đã đẩy lên hết chiết khấu, hiện các nhà kinh doanh xăng dầu đang lỗ, nếu giữ được mức giá đã là khó.

“Hãng xe Sao Việt không thể tăng giá, mỗi ngày ngày hãng chỉ chạy 15 chuyến đạt khoảng 30% công suất. Nếu lượng khách không đạt được 70% thì đơn vị không cho xe chạy và buộc phải dồn chuyến vì với giá xăng như hiện nay chạy dưới 60% số ghế là lỗ,” ông Bằng cho biết.

Mặt khác, ông Bằng thừa nhận, thực tế giá vé Hà Nội-Lào Cai là 230.000 đồng/khách, nếu giá xăng dầu như hiện nay doanh nghiệp không có khấu hao tài sản, chỉ trang trải tiền lương, phí cầu đường để giữ tuyến, giữ khách.

[Tăng thêm gần 1.000 đồng, xăng RON95-III vượt 26.200 đồng mỗi lít]

Ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải, Thương mại và Dịch vụ Đất Cảng (chuyên tuyến Hải Phòng-Hà Nội) nhận định, với mức xăng dầu tăng “phi mã” như hiện nay, doanh nghiệp vận tải buộc phải tính đến việc tăng giá cước.

Tuy nhiên, ông Hải cho rằng,khó khăn nhất hiện nay là việc hành khách vẫn rất ít do dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp và đang diễn ra ở nhiều địa phương, nếu tăng cước thì sẽ không có khách, trong khi giá nhiên liệu tăng gấp 2 lần.

“Vận tải khách tăng giá vé nhu cầu đi lại của khách giảm, đây là khó khăn chồng khó của doanh nghiệp vận tải khách. Hiện, hãng xe Đất Cảng mới chỉ hoạt động 50% số phương tiện nhưng lượng khách cũng chỉ đạt khoảng 30%, càng chạy càng lỗ,” ông Hải chỉ ra thực tế.

Khẳng định trước nhu cầu thị trường vận tải khách để tăng giá vé rất khó, ông Hải bày tỏ lo lắng, lượng phương tiện đi lại chưa thực sự trở lại bình thường, nếu tăng giá vé cũng không có tác dụng mà có thể sẽ có rủi ro vì khách sẽ tính đến phương tiện cá nhân như môtô xe máy.

Ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó Giám đốc Bến xe Gia Lâm cho biết mặc dù giá xăng dầu tăng cao nhưng hiện tại các nhà xe đều “án binh bất động”, giữ nguyên giá cước so với trước.

“Bản thân các nhà xe cũng chưa có phương án điều chỉnh giá vào thời điểm hiện tại do nhu cầu vận chuyển của người dân thấp, chỉ khoảng 20-25% so với thời điểm trước dịch. Mỗi ngày lượng xe ra vào bến chỉ đạt gần 200 xe so với trung bình hơn 600 xe trước đây. Để vượt khó, các nhà xe đều khẳng định sẽ tiết giảm tối đa chi phí để duy trì hoạt động và mong thị trường sớm hồi phục,” ông Tuấn thông tin thêm.

Đối với taxi, ông Nguyễn Quốc Biên, đại diện hãng taxi Quê Lụa thừa nhận, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến hoạt động kinh doanh vận tải của hãng gặp rất nhiều khó khăn. Lượng khách di chuyển bằng taxi giảm mạnh, chỉ đạt khoảng 35-40% so với thời điểm trước dịch. Bên cạnh đó, việc giá xăng dầu tăng liên tiếp trong thời gian qua khiến đơn vị đã “khó lại chồng khó.”

Mặc dù giá xăng tăng cao, ông Biên cho hay, giá cước của hãng taxi Quê Lụa được giữ ổn định trong nhiều năm qua. Từ khi giá xăng bán lẻ ở mức 16.000 đồng/lít đến nay đã tăng lên 25.000 đồng/lít nhưng các hãng taxi vẫn phải nhìn trước, ngó sau xem tín hiệu thị trường như thế nào rồi mới có phương án điều chỉnh.

Tiết lộ đơn vị đang có hơn 300 đầu xe đa phần ở trong tình trạng “đắp chiếu”, số còn lại kinh doanh không hiệu quả khiến doanh nghiệp đối diện với rất nhiều khó khăn, nếu tình trạng này không sớm được cải thiện, ông Biên lắc đầu ngao ngán và nói: “Chắc chắn hãng phải tính toán lại phương án hoạt động nhằm hạn chế tình trạng thua lỗ kéo dài.”

Nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp vận tải, ông Biên kiến nghị Nhà nước sớm có các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh vận tải vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay cũng như sớm kiểm soát, khống chế được dịch bệnh để nền kinh tế trở lại hoạt động trong trạng thái bình thường mới./.

Từ 15 giờ ngày 21/2, giá xăng E5RON92 tăng 961 đồng/lít so với giá hiện hành, giá trần là 25.532 đồng/lít; xăng RON95-III tăng 965 đồng/lít, không cao hơn 26.287 đồng/lít; dầu diesel 0.05S tăng 936 đồng/lít, giá mới là 19.509 đồng/lít.

Theo Nghị định 95/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng, dầu sẽ có hiệu lực từ ngày 2/1/2022, giá xăng dầu được điều chỉnh mỗi tháng 3 lần vào các ngày: 1, 11 và ngày 21 hằng tháng (tức là 10 ngày một lần, thay vì 15 ngày một lần).

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục