Giảm thiểu rủi ro, phát triển chế biến lâm sản bền vững

Giai đoạn 2020-2025, Tổng cục Lâm nghiệp và Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam sẽ chia sẻ thông tin, tài liệu, dữ liệu về sản xuất, chế biến gỗ và lâm sản nhằm quản lý rừng bền vững.
Giảm thiểu rủi ro, phát triển chế biến lâm sản bền vững ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)

Sáng 1/9, tại Hà Nội, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam ký kết quy chế phối hợp giai đoạn 2020-2025 trong lĩnh vực chế biến và thương mại lâm sản; quản lý rừng bền vững và chứng chỉ quản lý rừng bền vững.

Theo quy chế, hai bên sẵn sàng chia sẻ thông tin, tài liệu, dữ liệu của mỗi bên về các khía cạnh sản xuất, chế biến gỗ và lâm sản, thị trường... theo đúng quy định của pháp luật.

Trong chế biến và thương mại lâm sản, hai bên cùng phối hợp xây dựng và triển khai các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách, đề án, dự án; phát hiện, ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại.

Về quản lý rừng bền vững và chứng chỉ quản lý rừng bền vững, hai bên cùng xây dựng và phát triển Tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững (FM) và Tiêu chuẩn quản lý chuỗi hành trình sản phẩm (CoC) Việt Nam.

Tổng cục Lâm nghiệp và Hiệp hội Gỗ và Lâm sản xây dựng kế hoạch triển khai một số nhiệm vụ của Văn phòng Chứng chỉ rừng về vận hành hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia và thúc đẩy hoạt động cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững và chứng chỉ quản lý chuỗi hành trình sản phẩm theo đúng quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ; hoạt động tuyên truyền, quảng bá về Hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia.

Hai bên phối hợp tổ chức các hội nghị, hội thảo; các lớp đào tạo, tập huấn liên quan đến lĩnh vực chế biến, thương mại lâm sản; quản lý rừng bền vững và chứng chỉ quản lý rừng bền vững.

[Quyết liệt các giải pháp ngăn chặn tình trạng mất rừng tự nhiên]

Tại buổi ký kết, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đánh giá, ngành đã hình thành một hệ sinh thái khá đầy đủ về kinh tế lâm nghiệp.

Năm nay, độ che phủ rừng sẽ đạt 42%, đáp ứng bước đầu cho sự phát triển bền vững; trong khi thế giới độ che phủ rừng mới chỉ đạt 29%. Cùng với đó là xuất khẩu của ngành lâm nghiệp sẽ đạt trên 12 tỷ USD, đứng thứ hai châu Á.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho hay, ngành lâm nghiệp đã chủ động được 80% lượng nguyên liệu trong nước, cùng với đó là hệ thống với trên 5.600 doanh nghiệp, đủ sức cho ngành công nghiệp chế biến sâu.

Thị trường đồ gỗ trên thế giới còn rất lớn. Các doanh nghiệp không chỉ xuất khẩu đồ gỗ bình thường mà cần hướng đến xuất khẩu cả nét văn hóa Việt Nam để gia tăng giá trị sản phẩm.

Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam chia sẻ, ngành chế biến gỗ xuất khẩu một trong những ngành năng động nhất, thể hiện qua chỉ số kim ngạch xuất khẩu không ngừng tăng trưởng hàng năm.

Đây cũng là ngành hàng có nhiều doanh nghiệp tham gia chuỗi cung và xuất khẩu. Đồng thời, doanh nghiệp cũng đáp ứng được yêu cầu hàng ngày càng nghiêm ngặt vào các thị trường xuất khẩu.

Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam sẽ phối hợp với Tổng cục Lâm nghiệp thực hiện hiệu quả quy chế, góp phần giảm thiểu rủi ro, đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành trong tương lai, ông Đỗ Xuân Lập nhấn mạnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục