'Giáo hội Phật giáo nên hoạch định chiến lược về nhân sự'

Theo Hòa thượng Thích Huệ Thông, để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ mỗi nhiệm kỳ và để Giáo hội Phật giáo thật sự phát triển bền vững, cần hoạch định một chiến lược lâu dài về quy hoạch nhân sự.
'Giáo hội Phật giáo nên hoạch định chiến lược về nhân sự' ảnh 1Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng Giáo hội Phật giáo Việt Nam. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Trải qua 41 năm, với 8 nhiệm kỳ hoạt động, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã không ngừng phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu, thực hiện có kết quả chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến chương Giáo hội và pháp luật Nhà nước; hoàn thành trọng trách được tăng, ni, tín đồ Phật tử tín nhiệm giao phó.

Xây dựng thành công ngôi nhà chung Giáo hội

Tham luận tại Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX vào chiều 28/11, Hòa thượng Thích Thiện Thống, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết qua từng nhiệm kỳ, từng thành viên Giáo hội với những cương vị khác nhau, luôn thể hiện và phát huy tốt tinh thần trách nhiệm, phẩm chất, trí huệ, truyền thống đoàn kết hòa hợp, xứng đáng là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của tăng, ni, tín đồ Phật tử; góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.

Các thành viên Giáo hội đã làm tròn sứ mệnh của mình một cách vẻ vang trong sự nghiệp xây dựng thành công ngôi nhà chung Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Điểm lại những thành tựu Phật sự nổi bật, Hòa thượng Thích Thiện Thống khẳng định Giáo hội đã có những đổi mới mạnh mẽ về tổ chức và hoạt động; nỗ lực cao trong việc xây dựng, hoàn thiện bộ máy các cấp và các định chế của Giáo hội.

Những năm gần đây, các hoạt động của Giáo hội đi vào thực chất hơn, đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn của quá trình hội nhập thế giới của đất nước và Giáo hội.

Hoạt động đối ngoại được đẩy mạnh, mở rộng trên nhiều bình diện, đưa ngoại giao của Giáo hội đi vào chiều sâu, góp phần làm cho thế giới và bạn bè quốc tế hiểu rõ hơn về đất nước, con người và nền văn hóa Việt Nam, trong đó có Giáo hội Phật giáo Việt Nam và văn hóa Phật giáo Việt Nam, nâng cao vai trò, vị thế của Giáo hội trên trường quốc tế.

Nhìn lại chặng đường 8 nhiệm kỳ qua cho thấy, quá trình hình thành và sự ra đời của Giáo hội Phật giáo Việt Nam là sự lựa chọn đúng đắn, kết hợp nhuần nhuyễn của truyền thống đoàn kết hòa hợp với những giá trị phổ quát của tinh thần nhập thế, xương minh đạo pháp của các thành viên Giáo hội, phù hợp với nguyện vọng thống nhất Phật giáo Việt Nam của các bậc tiền nhân và quy luật phát triển của lịch sử.

"Giáo hội luôn là biểu hiện của truyền thống đoàn kết hòa hợp, là ngôi nhà chung của các hệ phái, của tăng, ni và tín đồ Phật tử ở trong nước, cũng như ở nước ngoài... Giáo hội là một tổ chức duy nhất đại diện ý chí, nguyện vọng của các hệ phái, tăng, ni, tín đồ Phật tử trong và ngoài nước, luôn được khẳng định một cách nhất quán và xuyên suốt trong các chủ trương, đường hướng hoạt động, được thể chế hóa trong Hiến chương Giáo hội," Hòa thượng Thích Thiện Thống cho hay.

[Phát huy truyền thống yêu nước, đồng hành cùng dân tộc của Phật giáo]

Cũng theo Hòa thượng, Giáo hội là tổ chức duy nhất do tăng, ni, tín đồ Phật tử toàn quốc suy cử theo nguyên tắc dân chủ, công khai, minh bạch; hoạch định và quyết định những vấn đề trọng đại của Giáo hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các hệ phái, tự viện, tăng, ni, tín đồ Phật tử. Bảo đảm và tăng cường sự đoàn kết hòa hợp, thống nhất ý chí và hành động, thống nhất lãnh đạo và tổ chức là nhân tố quyết định để Giáo hội hoàn thành xuất sắc trọng trách mà tăng, ni, tín đồ Phật tử ủy thác.

Hoạt động của các cấp Giáo hội luôn theo tiêu chí "Kính ngưỡng, phụng hành giáo pháp, giới luật Phật chế và pháp luật Nhà nước", triển khai hiệu quả các chủ trương, quan điểm vào các hoạt động ban hành văn bản, đôn đốc, kiểm tra và quyết định các vấn đề trọng đại của Giáo hội.

Hoạch định chiến lược về nhân sự

Đề cập đến những giới hạn cần khắc phục trong công tác quy hoạch nhân sự, giáo dục đào tạo, nhất là những bất cập trong đời sống tu học của một bộ phận tăng, ni, Phật tử, Hòa thượng Thích Huệ Thông, Phó Tổng Thư ký kiêm Chánh Văn phòng thường trực Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho rằng để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ mỗi nhiệm kỳ và để Giáo hội thật sự phát triển bền vững, bên cạnh việc phát huy nền tảng kỷ cương, trách nhiệm, cần hoạch định một chiến lược lâu dài về quy hoạch nhân sự, về các đề án chuyên sâu cho từng lĩnh vực, đặc biệt là cần "sự soi sáng bản chất giác ngộ giải thoát trong hệ thống giáo dục của Giáo hội và trong mọi hoạt động Phật sự."

Công tác suy cử và bổ nhiệm nhân sự hiện nay của Giáo hội thường chỉ được tiến hành trong mỗi kỳ đại hội hoặc Hội nghị thường niên, công tác quy hoạch nhân sự thời gian qua chỉ mang tính thời vụ, chưa có một đề án về quy hoạch nguồn nhân sự mang tính chuyên sâu và tổng thể nhằm phục vụ cho một chiến lược phát triển lâu dài của Giáo hội.

Vì vậy, Giáo hội luôn bị động về nguồn lực kế thừa, nhất là ở những vị trí then chốt của Trung ương Giáo hội và các cấp Giáo hội, cũng như các vị trí lãnh đạo và điều hành trong các lĩnh vực hoạt động khác của Giáo hội.

'Giáo hội Phật giáo nên hoạch định chiến lược về nhân sự' ảnh 2Hòa thượng Thích Huệ Thông, Phó Tổng thư ký, Chánh Văn phòng Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam phát biểu. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Hòa thượng Thích Huệ Thông chỉ ra một thực tế trong tổ chức Giáo hội hiện nay, "có rất đông nhân sự nhưng nhân sự đủ tiêu chí thỏa mãn yêu cầu để đảm nhận những vị trí quan trọng phụng sự cho Giáo hội và Giáo hội các cấp lại hạn chế so với yêu cầu thực tế."

Trước tình trạng này, khi cần đến con người cho công việc, Giáo hội đã điều động và phân bổ những trường hợp chưa thật sự có kinh nghiệm chuyên môn hoặc chưa qua đào tạo vào các vị trí công tác.

Theo Hòa thượng Thích Huệ Thông, điều này cũng khiến nhiều vị trí quan trọng trong tổ chức Giáo hội trở thành vị trí tượng trưng, đánh mất đi vai trò lãnh đạo điều hành. Đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng đã có không ít vị chưa đáp ứng yêu cầu Phật sự, đôi khi có trường hợp dẫn đến sự bất ổn trong hoạt động Phật sự.

Hòa thượng Thích Huệ Thông đề xuất Giáo hội nên hoạch định một chiến lược đào tạo nguồn nhân sự kế thừa, có đề án về nhân sự tổng thể với các tiêu chí rõ ràng khoa học; thành lập bộ phận chuyên trách về công tác đào tạo nguồn lực và quy hoạch nhân sự, có nhiệm vụ tập trung theo dõi, giám sát tình hình nhân sự cho Giáo hội, theo đó, sẽ có quy hoạch nhân sự từ xa, tham mưu và đề xuất với lãnh đạo Giáo hội việc cơ cấu và bổ nhiệm nhân sự khi cần thiết trước yêu cầu thực tế.

Bộ phận chuyên trách công tác nhân sự của Giáo hội cần phối hợp mật thiết với ngành giáo dục đào tạo của Giáo hội mở thêm khoa chuyên ngành về lĩnh vực này dành cho đối tượng quy hoạch lâu dài, tuyển chọn các tăng, ni sinh có phẩm hạnh và học lực tốt.

Ngoài việc quy hoạch và bố trí nhân sự, bộ phận này sẽ có nhiệm vụ mở các khóa bồi dưỡng định kỳ về nghiệp vụ chuyên môn cho các thành viên trong Giáo hội, đồng thời có kế hoạch gạn lọc và bổ sung thành phần nhân sự hội đủ điều kiện phục vụ lâu dài cho Giáo hội./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục