Giúp các trẻ em khuyết tật Việt Nam mỉm cười với thế giới

Được coi như một biểu tượng của tình hữu nghị Việt Nam-Anh quốc, Quỹ từ thiện Facing the World (FTW) bắt đầu hành trình mang lại nụ cười cho trẻ em bị dị tật sọ mặt bẩm sinh ở Việt Nam từ năm 2008.
Giúp các trẻ em khuyết tật Việt Nam mỉm cười với thế giới ảnh 1Đoàn bác sỹ của tổ chức Facing the World mổ cùng các bác sỹ Bệnh viện Việt Đức năm 2017. (Ảnh do bệnh viện cung cấp)

Nhiều năm về trước, từ khắp nơi trên thế giới, trẻ em với các dị tật sọ mặt phức tạp được Quỹ từ thiện Facing the World (FTW) đưa tới Anh để được phẫu thuật tạo hình miễn phí.

Khi đó, Giám đốc điều hành FTW Katrin Kandel nhận thấy có một tỷ lệ rất cao trẻ em đến từ Việt Nam. Trên thực tế, tỷ lệ mắc các dị tật bẩm sinh ở trẻ em Việt Nam ước tính cao gấp 10 lần so với các nước láng giềng.

Sau đó, một tổ chức từ thiện khác đã mời FTW đến Việt Nam để trực tiếp xem xét tình hình. Bà Katrin cho biết sau chuyến đi này, bà và các đồng nghiệp đã quyết định Việt Nam sẽ là quốc gia đầu tiên FTW triển khai chương trình từ thiện của mình.

Suốt hơn một thập kỷ qua, chương trình từ thiện của FTW đã thành công trong việc đem đến những thay đổi tích cực trong cuộc sống của nhiều trẻ em và thanh thiếu niên Việt Nam.

Khát khao một diện mạo bình thường

Ông Phạm Đức Dũng (xã Đông Vinh, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) vẫn nhớ như in khoảnh khắc con mình, anh Phạm Đức Chinh, chào đời gần 30 năm trước.

Khi đẻ Chinh ở trạm xá, mẹ Chinh mệt quá ngủ thiếp đi. Tới lúc được gặp con, ông Dũng kể “mẹ Chinh vừa mở ra xem thì òa khóc, khóc vì thương con, thương mình.”

Gia đình ông Dũng làm nông nghiệp, điều kiện khó khăn. Chinh sinh ra đã mắc hội chứng Treacher Collins, một chứng rối loạn di truyền hiếm gặp gây ra các bất thường trên sọ và mặt. Chinh bị khuyết xương gò má, xương hàm bị hô, khớp cắn hàm bị lệch nhau, mắt chảy sệ, không có vành tai ống tai, hở hàm ếch.

Ông Dũng kể: “Chinh yếu nên hầu như trong 3 năm đầu đời là ở viện nhiều hơn ở nhà. Vì Chinh sinh ra bị hở hàm ếch nên không bú được sữa mẹ. Kinh tế lại khó khăn, ăn chỉ có tí cháo, tí đường, tí thịt nên Chinh bị suy dinh dưỡng, rồi còn hay bị ho. Lúc nào cũng ở phòng cấp cứu.”

Khi Chinh lên 5, vợ chồng ông Dũng bắt đầu nghĩ tới việc đưa Chinh đến trường như những đứa trẻ khác. Bố mẹ đưa Chinh đến hết bệnh viện này sang bệnh viện khác trên Hà Nội nhưng các bác sỹ đều từ chối vì trường hợp của Chinh quá phức tạp, chưa gặp ở Việt Nam bao giờ.

Chinh đi học nhưng việc thiếu vành tai và ống tai khiến Chinh gặp khó khăn khi phải nghe âm thanh trong môi trường thoáng hoặc nơi công cộng như lớp học, hội trường… Nhưng vấn đề đó không phải là duy nhất.

“Em bị bạn bè trêu chọc còn các em bé thì sợ hãi,” Chinh nhớ lại.

Thời gian cứ thế trôi, khi Chinh dần chấp nhận việc mình có thể sẽ phải sống với một khuôn mặt khác biệt suốt đời thì anh nhận được cuộc gọi từ một bác sỹ cùng xã công tác tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cách đây ba năm. Vị bác sỹ đề nghị giúp đỡ Chinh tham gia chương trình từ thiện của FTW để Chinh có cơ hội được phẫu thuật tái tạo khuôn mặt miễn phí.

[Vị giáo sư nhân ái có đôi 'bàn tay vàng' và mối duyên với Việt Nam]

Trong vòng chỉ một năm sau đó, Chinh đã trải qua ba cuộc phẫu thuật: chỉnh hình mí mắt, sống mũi và ghép xương gò má. Tất cả được thực hiện tại Trung tâm Sọ mặt và Tạo hình của Bệnh viện 108 thành lập năm 2018 nhờ sự hỗ trợ của FTW.

“Đây thật sự là điều rất may mắn cho gia đình,” ông Dũng xúc động nói.

Và sau rất nhiều năm chờ đợi, cuối cùng chàng trai 28 tuổi cũng có thể tự tin đối diện với thế giới.

Thay đổi để bền vững

FTW bắt đầu đưa các bác sỹ phẫu thuật dị tật từ nước ngoài sang Việt Nam vào năm 2008. Trong mỗi chuyến thăm, đội ngũ y bác sỹ của FTW, gồm nhiều chuyên khoa khác nhau, đã phối hợp cùng bác sỹ Việt Nam thực hiện nhiều ca phẫu thuật phức tạp như của Chinh.

Hướng tới một mô hình bền vững, FTW đã thay đổi cách thức hoạt động, thay vì một hoặc hai bệnh nhi sẽ được gửi sang Anh mỗi năm để phẫu thuật với chi phí tốn kém, các bác sỹ Việt Nam sẽ được đào tạo chuyên môn thường xuyên để có thể tự mình thực hiện các ca phẫu thuật tương tự cho hàng nghìn trẻ em ngay trong nước.

Đến nay, FTW đã trao hơn 100 suất học bổng cho các bác sỹ Việt Nam, tạo điều kiện cho họ quan sát và học hỏi các kỹ thuật và phương pháp tiếp cận mới, tiên tiến tại các bệnh viện hàng đầu của Anh, Canada và Mỹ. Khoảng 140 học bổng mới đã được lên kế hoạch để trao trong thời gian tới.

Giúp các trẻ em khuyết tật Việt Nam mỉm cười với thế giới ảnh 2Các chuyên gia của FTW và bác sỹ Bệnh viện Việt Đức khám bệnh cho một em bé. (Ảnh do bệnh viện cung cấp)

Bác sỹ Vũ Ngọc Lâm, Giám đốc Trung tâm Sọ mặt và Tạo hình là một trong những bác sỹ Việt Nam nhận được học bổng của FTW đã tham gia các khóa đào tạo ngắn hạn trong 3-4 tuần vào hai năm trước.

Bác sỹ Lâm kể anh và các đồng nghiệp tại Bệnh viện 108 tạo thành một kíp gồm các chuyên khoa khác nhau như: gây mê, hồi sức, phẫu thuật thần kinh… đi sang học tập tại các bệnh viện lớn ở Anh và Canada.

“Chúng tôi được hướng dẫn thực hiện các kỹ thuật Việt Nam chưa áp dụng được hoặc thực hiện chưa tốt. Ngoài ra, họ còn bố trí chỗ ăn ở, phương tiện đi lại cho chúng tôi và tổ chức giao lưu với các chuyên gia đầu ngành.”

Anh nhận định: "Thực ra không khó để tiếp cận lý thuyết ở Việt Nam, nhưng quan trọng là chúng tôi cần được xem trực tiếp các bác sỹ bên kia thực hiện, mà khi đọc tài liệu thì khó hình dung được.”

Bà Katrin chia sẻ: "Nhiều trẻ em gặp phải những dị tật phức tạp đến mức không thể cải thiện chỉ bằng một cuộc phẫu thuật đơn giản, mà đòi hỏi sự tham gia của một đội ngũ bác sỹ bao gồm bác sỹ gây mê, bác sỹ ngôn ngữ trị liệu, bác sỹ tâm thần và bác sỹ tâm lý... Cả một hệ thống hỗ trợ phải làm việc với nhau.”

“Chúng tôi chú trọng tạo điều kiện cho các bác sỹ Việt Nam tới các cơ sở y tế hàng đầu ở khắp nơi trên thế giới để quan sát cách thức đội ngũ bác sỹ tại đây kết hợp trong công việc.” Bà Katrin kỳ vọng qua đó, các bác sỹ Việt Nam sẽ thiết lập được mối quan hệ với quốc tế và mang về áp dụng tại Việt Nam những thứ mà họ cảm thấy phù hợp nhất.

Bà cho biết thêm, về lâu dài FTW kỳ vọng sẽ mở rộng hoạt động sang một quốc gia khác và Việt Nam sẽ tham gia vào trên khía cạnh đào tạo.

'Chúng tôi đã học hỏi được rất nhiều'

Theo Phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Hồng Hà, Trưởng khoa Phẫu thuật Hàm mặt-Tạo hình-Thẩm mỹ, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, cách tiếp cận của tổ chức FTW không chỉ giúp giảm chi phí mà còn giúp các bác sỹ Việt Nam nâng cao tay nghề.

“Thay vì mang một vài bệnh nhân sang Anh để làm phẫu thuật, tổ chức cử một đoàn bác sỹ sang Việt Nam. Làm như vậy họ có thể tận dụng cơ sở hạ tầng và đội ngũ gây mê hồi sức ở đây và mổ cho nhiều cháu,” Phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Hồng Hà cho hay.

Ca phẫu thuật đầu tiên giữa các chuyên gia của tổ chức FTW và các bác sỹ của Bệnh viện Việt Đức cách đây 7 năm đã để lại ấn tượng khó quên trong ký ức của Phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Hồng Hà.

Khi đó họ quyết định phẫu thuật cho một em bé mới được 11 tháng tuổi. Cháu bé mắc hội chứng đa dị tật, không chỉ có nhiều tổn thương vê hộp sọ, mắt, mũi mà còn bị hẹp đường thở. Sau ca mổ kéo dài khoảng 7-8 giờ, biến dạng vê khuôn mặt của em đã được cải thiện song chỉ vài ngày sau khi đoàn chuyên gia về nước thì xuất hiện biến chứng sau mổ.

"Chúng tôi đã hội chẩn với đoàn chuyên gia và quyết định sẽ phải nhanh chóng mổ cho cháu bé. Các bác sỹ Việt Nam sẽ tiến hành mổ với sự trợ giúp của đội ngũ chuyên gia nước ngoài thông qua nền tảng telehealth. Sau ba tiếng, ca mổ thành công và 10 ngày sau cháu được ra viện. Hiện nay cháu đã đi học và nói được."

“Trước đây, chúng tôi không mổ những ca quá phức tạp như thế nhưng sau khi làm việc chung với các chuyên gia nước ngoài, chúng tôi cảm thấy rất tự tin và bây giờ có thể đảm nhận đến 90% các ca mổ,” Phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Hồng Hà cho biết.

Giúp các trẻ em khuyết tật Việt Nam mỉm cười với thế giới ảnh 3Đoàn bác sỹ Canada cùng các bác sỹ Bệnh viện Trung ương 108 tiến hành một ca phẫu thuật vào năm 2018. (Ảnh do tổ chức Facing the World cung cấp)

Phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Hồng Hà cho hay việc kết nối với chuyên gia của tổ chức FTW đã từng được tiến hành một tháng hai lần nhưng tần suất này giảm dần xuống hai tháng một lần hoặc ít hơn. Các bác sỹ sẽ trao đổi với chuyên gia khi họ gặp những ca bệnh rất phức tạp.

Cũng theo Phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Hồng Hà, với những kiến thức tích lũy được và các thiết bị tối tân, khoa Phẫu thuật Tạo hình-Thẩm mỹ, Bệnh viện Việt Đức đã áp dụng thành công phương pháp tạo hình tai nhỏ bằng sụn nhân tạo (Medpor) dưới sự hỗ trợ của kỹ thuật mổ nội soi. Đây là một trong những kỹ thuật gần như là khó nhất của phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ.

“Trung tâm Phẫu thuật Tạo hình-Thẩm mỹ, Bệnh viện Việt Đức là một trong số ít trung tâm trên thế giới đã áp dụng thành công phương pháp này,” Phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Hồng Hà cho biết.

Theo Phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Hồng Hà, ưu điểm của phương pháp này là bệnh nhân chỉ trải qua duy nhất một lần phẫu thuật rất sớm khi trẻ mới 4,5 tuổi và kết quả thẩm mỹ hơn hẳn các phương pháp khác.

Tài trợ thiết bị y tế

Ngoài phẫu thuật chỉnh hình sọ mặt, FTW còn hợp tác với các đối tác Việt Nam đánh giá nhu cầu về thiết bị y tế trong nước trong đại dịch COVID-19 và trao tặng 28 màn hình theo dõi y tế trị giá 308.000 bảng Anh (gần 9,6 tỷ đồng).

Bà Katrin nhấn mạnh FTW muốn những thiết bị y tế này thực sự tạo được thay đổi. “Chúng tôi không tặng những thiết bị chỉ dùng một lần rồi bỏ không; chúng tôi tài trợ những thứ như kính hiển vi, máy siêu âm và nội soi…”

Giúp các trẻ em khuyết tật Việt Nam mỉm cười với thế giới ảnh 4Bà Katrin Kandel, Giám đốc điều hành tổ chức FTW (thứ 6 từ trái sang), Hoàng tử Anh Andrew (thứ 5 từ phải sang) và Giáo sư-tiến sỹ Mai Hồng Bàng, Giám đốc Bệnh viện Trung ương 108 (thứ 4 từ phải sang) tại lễ khai trương trung tâm Phẫu thuật Sọ mặt và tạo hình. (Ảnh do bệnh viện cung cấp)

Theo bà Katrin, FTW đã tài trợ trang thiết bị y tế trị giá tổng cộng hơn 2 triệu bảng Anh cho Việt Nam, trong đó có hệ thống hội chẩn từ xa inTouch Telemedicine. Các thiết bị này đã được chuyển tới Bệnh viện Hồng Ngọc, Việt Đức, K và Trung ương Quân đội 108 như một phần nỗ lực mở rộng hợp tác quốc tế và nặng lực điều trị cho Việt Nam.

FTW cũng hợp tác với Hiệp hội Phẫu thuật Hoàng gia Anh (Royal College of Surgeon of England) cấp chứng nhận toàn cầu cho Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

Bà Kendal cho rằng việc chương trình phẫu thuật của Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Quân đội 108 được đánh giá bởi một bên thứ ba là rất quan trọng. “Sự công nhận này sẽ mang lại vị thế cho hai bệnh viện trong cộng đồng y khoa quốc tế.”

Nói về kế hoạch trong tương lai, CEO của FTW chia sẻ bà hy vọng việc đi lại giữa các nước sẽ sớm được nối lại, để các bác sỹ Việt Nam có thể tiếp tục tham gia các khoá đào tạo tại nước ngoài.

Đồng thời, FTW muốn khởi động lại việc gửi các bác sỹ nước ngoài sang phẫu thuật tại bệnh viện Việt Nam, cũng như mở rộng việc triển khai hệ thống hội chẩn từ xa sang các nước khác và tiếp tục tài trợ thiết bị y tế cho Việt Nam.

Còn về phần Chinh, tốt nghiệp với tấm bằng loại giỏi tại Đại học Bách Khoa Hà Nội, anh được giữ lại làm việc tại Viện nghiên cứu và phát triển ứng dụng các hợp chất thiên nhiên của trường. Anh mong muốn sau 1-2 cuộc đại phẫu nữa, việc ăn uống và giao tiếp của anh sẽ trở nên dễ dàng hơn.

“Em cảm thấy đây là phép thử cho nghị lực và số phận của mình,” Chinh chia sẻ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục