GlaxoSmithKline cam kết hỗ trợ bệnh nhân hen suyễn Việt Nam

GlaxoSmithKline đã đưa một dạng bào chế mới của thuốc cắt cơn hen vào Việt Nam nhằm đáp ứng nhu cầu điều trị cắt cơn hen tiêu chuẩn với chi phí phù hợp với mọi bệnh nhân.
GlaxoSmithKline cam kết hỗ trợ bệnh nhân hen suyễn Việt Nam ảnh 1GSK cam kết hỗ trợ điều trị cho các bệnh nhân hen suyễn tại Việt Nam. (Nguồn: GSK)

Văn phòng đại diện GlaxoSmithKline Pte Ltd tại Việt Nam (GSK Việt Nam) cam kết hỗ trợ bệnh nhân có thể tiếp cận các loại thuốc và vắcxin của GSK để đáp ứng điều trị một số loại bệnh chính và bảo vệ mọi người khỏi những bệnh có thể phòng tránh được, cho dù họ ở đâu và có mức thu nhập nào.

Một dạng bào chế mới của thuốc cắt cơn hen đã chính thức có mặt ở Việt Nam nhằm đáp ứng nhu cầu điều trị cắt cơn hen tiêu chuẩn với chi phí phù hợp.

Hội Hô hấp Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp cùng GSK Việt Nam và các chuyên gia hàng đầu trong và ngoài nước đã tổ chức buổi Hội thảo Khoa học “Các nhu cầu chưa được đáp ứng trong quản lý hen phế quản - Thực trạng và Giải pháp” nhằm cập nhật những kiến thức về gánh nặng của hen, các nhu cầu chưa được đáp ứng tại Việt Nam và chia sẻ kinh nghiệm quản lý hen đến nhân viên y tế trên toàn quốc.

Hen là bệnh viêm mãn tính đường hô hấp, hiện tượng viêm này gây ra các triệu chứng liên quan đến tắc nghẽn luồng khí như thở khò khè, nặng ngực, ho và khó thở, thường xảy ra vào ban đêm hoặc lúc sáng sớm.

Hen ảnh hưởng tới 300 triệu người trên toàn thế giới và khoảng 3,6 triệu người ở Việt Nam.

Tổ chức Hành động vì hen toàn cầu (GINA) ước tính rằng sẽ có thêm 100 triệu ca mắc mới vào năm 2025.

Bệnh hen cũng là một căn bệnh mạn tính phổ biến ở trẻ em và là nguyên nhân hàng đầu khiến các bé phải nghỉ học, đi cấp cứu hoặc nhập viện.

Là một bệnh hoàn toàn có thể kiểm soát được nhưng bệnh hen vẫn là nguyên nhân gây tử vong cho khoảng 250.000 người mỗi năm trên toàn cầu. Hầu hết những người tử vong có độ tuổi trên 453.

Các lý do cho con số đáng buồn này là bệnh nhân chưa có khả năng tiếp cận với việc chẩn đoán và điều trị, sử dụng thuốc chưa đúng cách hoặc tuân thủ điều trị kém.

Phó giáo sư-tiến sỹ Lê Thị Tuyết Lan, Chủ tịch Hội Hô hấp Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: "Theo nghiên cứu AIRIAP 1 thực hiện tại vùng châu Á-Thái Bình Dương, chỉ có 14,1% bệnh nhân hen trong khu vực được điều trị dự phòng hen, riêng ở Việt Nam tỷ lệ này là 21,3%. Chúng ta cần phải giúp người bệnh nâng cao nhận biết hơn nữa về các yếu tố khởi phát cơn hen, sử dụng đúng cách các dụng cụ xịt hút và hiểu được tầm quan trọng của việc tuân thủ điều trị."

Việc lạm dụng các thuốc điều trị đường uống trong điều trị hen như corticoid để lại di chứng hết sức nặng nề. Tuy nhiên, các số liệu cho thấy tại Việt Nam, các thuốc này vẫn còn đang được dùng rất phổ biến với số lượng hàng triệu viên.

Hội Hô hấp Thành phố Hồ Chí Minh đã thành lập được nhiều trung tâm quản lý hen (ACOCU) để góp phần quản lý tốt bệnh hen.

Gần đây, chính phủ cũng đã đưa ra chương trình Quốc gia về phòng chống hen và COPD với mục tiêu giảm gánh nặng của căn bệnh mạn tính này.

Phó giáo sư De Guia, chuyên gia hàng đầu về hô hấp của Phillipines cũng như khu vực châu Á-Thái Bình Dương, chia sẻ kinh nghiệm quản lý hen của mình đã nhấn mạnh vào việc giáo dục bệnh nhân cũng như tiếp cận với thuốc điều trị.

Đây là thách thức chung của các nước đang phát triển trong việc cung cấp thông tin và kiến thức về việc sử dụng thuốc phù hợp.

Việc chuyển từ các thuốc điều trị đường uống sang đường hít thường làm tăng chi phí điều trị trong ngắn hạn cũng như thời gian tư vấn của bác sỹ.

Tuy nhiên xét trong dài hạn, nghiên cứu cho thấy với thuốc điều trị dạng hít, bệnh nhân sẽ được kiểm soát hen tốt hơn và ít bị tác dụng phụ hơn, do đó, sẽ giảm chi phí đáng kể nhờ giảm số lần nhập viện.

Bác sỹ Robert Chan, Giám đốc Phát triển Lâm sàng-Trung tâm Phát triển thuốc Hô hấp và Viêm-miễn dịch, Bộ phận Nghiên cứu và Phát triển GSK tại châu Âu phát biểu về hành trình 45 năm nghiên cứu trong lĩnh vực hô hấp.

Ông nói: “Chúng tôi tự hào về khoảng thời gian 45 năm áp dụng khoa học hô hấp tiên phong để phát triển các loại thuốc tốt hơn mang lại lợi ích cho hàng triệu người bệnh khắp nơi trên thế giới. Tại hội thảo này, chúng tôi vui mừng giới thiệu một dạng bào chế mới của thuốc cắt cơn hen tại Việt Nam, sẽ góp phần giúp bệnh nhân cắt cơn hen hiệu quả với chi phí phù hợp.”

“Việt Nam còn rất nhiều bệnh nhân hen không đủ điều kiện để tiếp cận với các liệu pháp điều trị tiêu chuẩn. Chúng tôi luôn cố gắng để mang những thuốc có giá trị đến nhiều người dân Việt Nam hơn, không kể thu nhập của họ cao hay thấp và họ đang sống ở nơi vùng miền nào của đất nước,” bác sỹ Phạm Thị Mỹ Liên, Trưởng đại diện GSK Việt Nam chia sẻ.

Theo công bố ngày 17/11 vừa qua, GSK một lần nữa đứng đầu danh sách Chỉ số tiếp cận thuốc.

Đây là lần thứ tư liên tiếp GSK dẫn đầu danh sách 20 công ty dược với nỗ lực cải thiện tiếp cận thuốc và chăm sóc y tế ở các nước đang phát triển.

Trong 7 hạng mục được đánh giá gồm quyên góp và từ thiện; tiến bộ về năng lực; bằng sáng chế và cấp phép; định giá; sản xuất và phân phối; nghiên cứu và phát triển; chính sách công cộng và ảnh hưởng thị trường và quản trị tiếp cận thuốc tổng quát, GSK dẫn đầu lĩnh vực nghiên cứu và phát triển, quản trị tiếp cận thuốc./.

Thông tin thêm về bệnh hen suyễn trên thế giới

- 90% bệnh nhân hen coi các triệu chứng như là một phần bệnh tật của họ.

- 77,4 % bệnh nhân hen thường sử dụng thuốc cắt cơn nhiều hơn 2-3 lần trong tuần để đối phó với các triệu chứng.

- Ở châu Á-Thái Bình Dương, bệnh hen giới hạn hoạt động và lối sống của người bệnh đáng kể.

Tại Việt Nam trung bình có 30,8% người bệnh được khảo sát nói rằng bị mất ngày làm việc, và 61,1% tin rằng lựa chọn công việc hoặc sự nghiệp bị hạn chế do bệnh hen./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục