Grab car, "xe công nghệ" có thể không phải gắn hộp đèn trên nóc xe

Theo Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/NĐ-CP, mà Bộ Giao thông Vận tải vừa trình Chính phủ, taxi công nghệ không phải gắn hộp đèn trên nóc xe như một số đề xuất trước đó.
Grab car, "xe công nghệ" có thể không phải gắn hộp đèn trên nóc xe ảnh 1

Bộ Giao thông Vận tải vừa trình Chính phủ Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô, sau hơn hai năm soạn thảo.

Với việc bổ sung loại hình giao dịch điện tử cho phù hợp với xu thế mới, dự thảo cho rằng Grab car được coi là xe hợp đồng điện tử, phải niêm yết "XE HỢP ĐỒNG ĐIỆN TỬ" và các thông tin trên xe theo nội dung quy định. Việc này sẽ dễ quản lý và tạo sự cạnh tranh bình đẳng giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ.

Tuy nhiên, theo dự thảo mà Bộ Giao thông Vận tải vừa trình Chính phủ, loại hình vận tải này không phải gắn hộp đèn trên nóc xe như một số đề xuất trước đó.

[Bộ trưởng GTVT: Ranh giới taxi truyền thống và công nghệ rất mong manh]

Theo giải trình của Bộ Giao thông Vận tải, việc ứng dụng phần mềm kết nối hoạt động vận tải khách theo hợp đồng đã tạo điều kiện cho hành khách trong việc đi lại như lựa chọn phương tiện, biết thông tin lái xe, biết giá cước, tăng khả năng tìm lại hành lý, tài sản...

Dự thảo cũng bổ sung loại hình taxi tính tiền qua phần mềm gọi là taxi điện tử bên cạnh loại hình taxi. Xe này được gắn hộp đèn với chữ "TAXI ĐIỆN TỬ." Trên xe có thiết bị phần mềm kết nối để giao dịch với hành khách. Cùng đó, cung cấp cho hành khách thông tin về doanh nghiệp, lái xe, xe, giá cước và số tiền...Với các xe gắn mào taxi điện tử, người dân có thể gọi xe theo nhiều cách như trên đường, qua tổng đài.

Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, việc bổ sung quy định xe taxi tính tiền thông qua phần mềm là “Taxi điện tử” nhằm khuyến khích phát triển ứng dụng công nghệ trong hoạt động vận tải. Đồng thời, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng giữa các đơn vị taxi truyền thống và taxi công nghệ.

Về ý kiến của các hiệp hội taxi cần quy định xe kinh doanh vận tải dưới 9 chỗ là taxi, đại diện Ban soạn thảo cho rằng, quy định như vậy gây khó cho người dân vì nhiều khi họ muốn thuê xe hợp đồng dưới 9 chỗ mà không muốn đi taxi.

“Điều kiện này nhằm đảm bảo công bằng xe hợp đồng xe taxi, do đối tượng này có tính chất, phạm vi hoạt động, sức chứa phương tiện giống xe taxi đồng thời, sau 2 năm thí điểm hoạt động của xe hợp đồng điện tử đã phát sinh vấn đề, điều kiện kinh doanh chưa tương đồng, dẫn tới đấu tranh, khiếu nại giữa các đơn vị. Do đó, dự thảo đưa điều kiện 2 loại hình tương đương nhau, để đảm bảo công bằng,” Bộ Giao thông Vận tải nêu quan điểm.

Ngoài ra, Dự thảo Nghị định trình Chính phủ cũng bổ sung quy định mới đối với việc quản lý, sử dụng hợp đồng vận tải điện tử. Đồng thời, quy định về trách nhiệm của các tổ chức, đơn vị và cá nhân có liên quan đến việc thực hiện ứng dụng hợp đồng vận tải điện tử. Bên cạnh đó, khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa đổi mới công nghệ, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để giảm chi phí vận tải.

Tuy nhiên, bản Dự thảo của Bộ Giao thông Vận tải mới vừa trình Chính phủ vẫn chưa nhận được sự đồng tình của các hiệp hội taxi.

Theo ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, xe Grab bản chất là hoạt động kinh doanh vận tải nên phải được coi là taxi. Các xe này phải có bộ nhận diện riêng như gắn biển màu vàng để phân biệt với xe gia đình, các cơ quan chức năng dễ quản lý.

Thống kê cho thấy, cả nước có 866 đơn vị vận tải với hơn 36.800 phương tiện tham gia thí điểm hợp đồng điện tử. Trong đó Thành phố Hồ Chí Minh có 506 doanh nghiệp, ba nhà cung cấp phần mềm, 21.600 xe. Hà Nội có 354 đơn vị vận tải, 7 nhà cung cấp phần mềm với hơn 15.000 xe.

Thời gian qua, nhiều ý kiến tranh cãi nảy sinh giữa các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp taxi về loại hình Grab car được xếp vào loại hình xe hợp đồng hay taxi. Một số đề xuất đã được đưa ra để phân biệt loại hình này như gắn hộp đèn trên nóc, gắn biển màu vàng.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục