Hà Nội triển khai 3 nhóm giải pháp đảm bảo cấp điện liên tục, ổn định

Tổng Công ty Điện lực Hà Nội đã tập trung triển khai 3 nhóm giải pháp gồm giải pháp kỹ thuật và vận hành, giải pháp về đầu tư xây dựng, sửa chữa lớn và giải pháp về bảo vệ hành lang lưới điện.
Hà Nội triển khai 3 nhóm giải pháp đảm bảo cấp điện liên tục, ổn định ảnh 1Công nhân Công ty Lưới điện cao thế Hà Nội kiểm tra thiết bị GIS tại trạm 110kV công viên Thống Nhất. (Ảnh: TTXVN phát)

Chiều 2/6, tại buổi họp Giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội thường kỳ, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực Hà Nội Nguyễn Anh Dũng cho biết để đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định phục vụ các sự kiện, hoạt động chính trị, an ninh, văn hóa, ngoại giao trên địa bàn Thủ đô trong năm 2020, Tổng Công ty Điện lực Hà Nội đã tập trung triển khai 3 nhóm giải pháp gồm giải pháp kỹ thuật và vận hành, giải pháp về đầu tư xây dựng, sửa chữa lớn và giải pháp về bảo vệ hành lang lưới điện.

Cụ thể, về giải pháp kỹ thuật và vận hành, để chuẩn bị phương thức vận hành cấp điện ứng với kịch bản phụ tải cực đoan nhất (ứng với những ngày nắng nóng đột biến) và có thể ứng phó một cách chủ động với các kịch bản có thể xảy ra, đảm bảo cấp điện an toàn liên tục trong mọi tình huống, từ cuối năm 2019, Tổng Công ty Điện lực Hà Nội đã tổ chức rà soát phương án cấp điện năm 2020.

Từ đó, đề ra các biện pháp tình huống và giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị trong việc đảm bảo cấp điện năm 2020. Các đơn vị quản lý vận hành xây dựng sẵn các kịch bản cung ứng điện mùa khô, mùa Hè nắng nóng.

Tổng Công ty Điện lực Hà Nội cũng thực hiện việc quản lý, bảo dưỡng, kiểm tra định kỳ đường dây và trạm biến áp theo quy định, đồng thời khẩn trương xử lý dứt điểm các hạng mục tồn tại trên lưới điện trung thế, 110-220kV.

Đáng chú ý, trong thời gian cao điểm cấp điện, các đơn vị sẽ thường xuyên rà soát tình trạng vận hành của các thiết bị điện, đặc biệt là máy biến áp, các tuyến đường dây mang tải cao và các điểm tiếp xúc trên lưới điện, kịp thời khắc phục các bất thường.

Bên cạnh đó, các đơn vị liên quan còn tăng cường tuyên truyền tiết kiệm điện, sử dụng năng lượng hiệu quả để giảm áp lực cấp điện của hệ thống.

Đặc biệt, Tổng Công ty Điện lực Hà Nội yêu cầu các đơn vị vận hành không được để xảy ra các sự cố do nguyên nhân chủ quan, liên tục theo dõi tinh trạng vận hành của các thiết bị qua hệ thống đo xa, lưu ý cân san tải và xử lý các hiện tượng bất thường vào thời điểm thích hợp.

[Thủ tướng Chính phủ chỉ thị cả nước tăng cường tiết kiệm điện]

Ngoài ra, giám đốc các đơn vị chịu trách nhiệm trực tiếp với Tổng Giám đốc Tổng công ty về việc đảm bảo cung cấp điện. Các sự cố kéo dài hơn l giờ đổi với các Công ty Điện lực nội thành, sự cố kéo dài trên 2 giờ đối với các Công ty Điện lực ngoại thành và các khách hàng lớn, quan trọng phải báo cáo trực tiếp nguyên nhân sự cố và dự kiến thời gian khôi phục cho Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực Hà Nội.

Về giải pháp về đầu tư xây dựng, sửa chữa lớn, năm 2020, Tổng Công ty Điện lực Hà Nội đã giao 270 hạng mục công trình sửa chữa lớn với giá trị trên 503 tỷ đồng. Một số công trình thi công hoàn thành sớm để đảm bảo củng cố lưới điện phục vụ cấp điện Hè năm 2020.

Cũng trong năm nay, Tổng Công ty Điện lực Hà Nội dự kiến thực hiện đầu tư 5.938 tỷ đồng gồm: khởi công mới 9 công trình và đóng điện 15 công trình với tổng công suất tăng thêm là 1.008 MVA và 129,3km dây dẫn.

Bên cạnh đó, đối với 782 công trình trung hạ áp, Tổng Công ty sẽ hoàn thành các công trình đảm bảo cấp điện Hè 2020 trước mùa nắng nóng.

Về giải pháp bảo vệ hành lang lưới điện, Tổng Công ty Điện lực Hà Nội thường xuyên làm việc với sở, ngành thành phố, các cấp chính quyền địa phương, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, phát sinh vi phạm hành lang lưới điện nhằm bảo vệ an toàn lưới điện của Tổng Công ty.

Đối với khu vực công trường thi công có nguy cơ vi phạm hành lang lưới điện (đặc biệt là các phương tiện cơ giới), Tổng Công ty Điện lực Hà Nội sẽ đề xuất các giải pháp nhằm đảm bảo không để xảy ra vi phạm hành lang lưới điện gây sự cố lưới điện như tuyên truyền, cảnh báo, kiểm tra, giám sát.

Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp nêu trên, Tổng Công ty Điện lực Hà Nội cam kết cung ứng đủ điện, an toàn, ổn định cho các nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội, chính trị của Thủ đô.

Báo cáo của Tổng Công ty Điện lực Hà Nội cũng cho thấy, trong 5 tháng đầu năm nay, Tổng Công ty đã thực hiện cung ứng điện đẩy đủ, đảm bảo phục vụ sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp và nhân dân Thủ đô.

Hà Nội triển khai 3 nhóm giải pháp đảm bảo cấp điện liên tục, ổn định ảnh 2Công nhân Tổng Công ty Điện lực Hà Nội vận hành cung cấp điện cho các phụ tải trên địa bàn. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)

Ngoài ra, Tổng Công ty Điện lực Hà Nội cũng đã cấp điện an toàn, ổn định, liên tục cho các sự kiện chính trị-xã hội quan trọng diễn ra trên địa bàn Thủ đô.

Tổng công ty đã xây dựng và thực hiện phương án đảm bảo điện cho các hoạt động phòng chống dịch bệnh COVID-19, đặc biệt là 98 bệnh viện, 404 cơ sở y tế, 15 khu cách ly tập trung, 16 cơ sở sản xuất khẩu trang và 33 kho dự trữ hàng hóa.

Liên quan đến việc triển khai giảm giá điện, giảm tiền điện cho các khách hàng tham gia vào phòng, chống dịch COVID-19, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực Hà Nội Nguyễn Anh Dũng cho biết thêm, từ 16/4/2020 thực hiện văn bản 2698/BCT-ĐTĐL ngày 16/4/2020 của Bộ Công Thương về việc hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch, Tổng Công ty Điện lực Hà Nội thực hiện giảm giá điện, giảm tiền với các đối tượng khách hàng theo đúng hướng dẫn.

Theo đó, đến nay, Tổng công ty đã phát hành giảm giá cho 2.311.226 khách hàng, chiếm 90,38% tổng số khách hàng với tổng số tiền giảm là 210,32 tỷ đồng.

Cũng tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên về dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Phạm Thanh Học cho biết, đây là một trong những vấn đề được Thành ủy, Bí thư Thành ủy Hà Nội rất quan tâm.

Mới đây, thành phố Hà Nội cũng đã có buổi làm việc với Bộ Giao thông Vận tải và các bộ, ngành, đơn vị để giải quyết tháo gỡ vướng mắc liên quan đến dự án. Nhưng đến nay, vấn đề khó khăn nhất là tổng thầu là công ty của Trung Quốc chưa bàn giao hồ sơ toàn bộ công trình.

Trong khi đó, có hồ sơ, các cơ quan liên quan mới thực hiện bước nghiệm thu cơ sở, tiếp theo đó là bước nghiệm thu cấp Nhà nước, từ đó mới sớm đưa dự án vào vận hành./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục