Hàng nghìn xe Limousine chạy ‘đè giờ, núp bóng’ tuyến vận tải cố định

Tuyến vận tải Quảng Ninh-Hà Nội đang xảy ra thực trạng “xe dù, bến cóc” dẫn đến việc các đơn vị vận tải tuyến cố định đứng trước nguy cơ phá sản.
Hàng nghìn xe Limousine chạy ‘đè giờ, núp bóng’ tuyến vận tải cố định ảnh 1Thanh tra giao thông tiến hành lập biên bản xe Limousine dừng đỗ, đón trả khách sai quy định. (Ảnh: Đức Hùng/Vietnam+)

Bộ Giao thông Vận tải vừa có đề nghị tỉnh Quảng Ninh, thành phố Hà Nội và Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) phối hợp kiểm tra, xử lý vi phạm theo phản ánh về hiện tượng “xe dù, bến cóc” trên tuyến Hà Nội-Quảng Ninh.

Theo nội dung của đơn kêu cứu của 11 doanh nghiệp vận tải Quảng Ninh gửi tới cơ quan chức năng, hiện nay, trên tuyến Quảng Ninh-Hà Nội và ngược lại hàng ngày có trên 1.500 xe đón trả khách. Tuy nhiên, trong đó chỉ có khoảng 300 xe là được cấp phép hoạt động trên tuyến vận tải hành khách theo tuyến cố định, còn lại phần lớn là các xe dòng Limousine 10 chỗ, 16 chỗ, 19 chỗ và xe giường nằm 41 chỗ mang biển đăng ký Quảng Ninh hoặc Hà Nội hoạt động dưới hình thức như tuyến cố định. Các xe này thường xuyên tùy tiện chạy vòng vo đón khách tại nhà ở Quảng Ninh và Hà Nội vào tất cả các khung giờ, trong khi xe chạy tuyến cố định không được cấp phép xe trung chuyển.

Các xe này thường “đè giờ” xe hoạt động trên tuyến cố định Hà Nội-Quảng Ninh, khiến doanh nghiệp chạy tuyến cố định đang trên bờ vực phá sản. Các xe thường xuyên "chạy dù" như 36 xe của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dịch vụ vận tải Hoàng Phú, 44 xe của doanh nghiệp Ninh Quỳnh, 46 xe của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Vận tải Hoàng Công, 7 xe của doanh nghiệp Trung Thành, 14 xe của Công ty cổ phần Hà Vy Quảng Ninh, 38 xe của doanh nghiệp Anh Huy, 13 xe của Nhà xe Xuân Trường, 26 xe của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Vân Đồn Xanh.

[Cần có giải pháp để quản lý loại xe hợp đồng “trá hình”]

Với đơn kêu cứu này, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh, thành phố Hà Nội chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải, Công an các tỉnh, thành phố kiểm tra, làm rõ các nội dung phản ánh kiến nghị của 11 đơn vị vận tải hành khách tại đơn kêu cứu nêu trên, xử lý vi phạm (nếu có) theo quy định đồng thời trả lời đơn thư nói trên.

Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Cục Cảnh sát giao thông chỉ đạo lực lượng tổ chức kiểm tra đối với 224 phương tiện (của 8 doanh nghiệp, nhà xe nêu trên), xử lý vi phạm (nếu có) theo quy định; thông tin kết quả đến Bộ để phối hợp quản lý.

Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải cũng yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam theo dõi, giám sát hoạt động đối với 224 phương tiện của 8 doanh nghiệp, nhà xe đồng thời trích xuất dữ liệu từ hệ thống thiết bị giám sát hành trình xe ôtô để kịp thời phát hiện các vi phạm chuyển đến Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, Quảng Ninh xử lý vi phạm theo quy định./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục