“Hệ thống xét nghiệm Gene Xpert của Chương trình phòng chống lao đã sẵn sàng tham gia xét nghiệm SARS-CoV-2 ngay sau khi được Bộ Y tế cấp phép và thông qua quy trình kỹ thuật. Đây sẽ là một phương pháp mới nhanh chóng, hiệu quả, phát hiện sớm người mắc COVID-19.”
Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương đã khẳng định như trên khi thông tin với phóng viên TTXVN về kết quả thử nghiệm trên hệ thống Gene Xpert trùng khớp 100% với hệ thống Real-Time PCR.
Gene Xpert cho kết quả nhanh và hoàn toàn tự động
Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Viết Nhung chia sẻ ngay sau khi tiếp nhận hơn 16.000 test xét nghiệm SARS-CoV-2 sử dụng trên máy Gene Xpert, Bệnh viện Phổi Trung ương đã liên hệ với Viện Vệ sinh dịch tế Trung ương thực hiện kiểm chuẩn.
“Chúng tôi đã thử nghiệm một tập hợp gồm 30 mẫu với nồng độ khác nhau, được kiểm chuẩn của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương và thực hiện xét nghiệm cho 10 người. Kết quả trùng khớp 100% với phương pháp Real-Time PCR kinh điển. Kỹ thuật này cũng phát hiện được hai gene của virus nên độ tin cậy rất cao. Như vậy có thể khẳng định chúng ta đã hoàn toàn làm chủ được kỹ thuật này ngay sau khi nhận được test mới.”
Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Viết Nhung cho biết: "Ngay sau khi được Bộ Y tế cấp phép và thông qua quy trình kỹ thuật, chúng tôi sẽ cử cán bộ hỗ trợ tới các địa phương có nguy cơ cao như Đà Nẵng, Hải Dương, Quang Nam… triển khai xét nghiệm một cách nhanh nhất để có thể giúp ích cho việc bảo vệ bệnh viện. Với ưu thế cho kết quả nhanh, sẽ giúp bệnh viện ra những quyết định phân luồng, cách ly, đảm bảo số người tiếp xúc ít nhất."
Hiện tại, 218 hệ thống máy Gene Xpert của Bệnh viện Phổi Trung ương ở tại các địa phương đã sẵn sàng kích hoạt. Kỹ thuật này cũng sẽ được nhanh chóng triển khai tại các tỉnh có dịch đợt này qua đào tạo trực tuyến.
Các tỉnh còn lại cũng được tiếp cận làm quen để sẵn sàng triển khai thực hiện khi có nguy cơ trong thời gian tới.
Gene Xpert bản chất là xét nghiệm Real-Time PCR, có nhiều ưu điểm như là hệ thống hoạt động hoàn toàn tự động từ khâu tách chiết, trộn đến phân tích, thời gian rút ngắn chỉ còn trong vòng 45 phút và không hề có sự can thiệp của con người. Với phương pháp này, con người chỉ can thiệp chủ yếu là khâu lấy và vận chuyển mẫu.
Chia sẻ về nguyên nhân một số trường hợp xét nghiệm đến lần thứ 3 mới phát hiện mắc COVID-19, Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Viết Nhung cho biết, có hai nguyên nhân dẫn đến tình huống xét nghiệm Real-Time PCR đến lần thứ 3 mới phát hiện mắc COVID- 19.
Nguyên nhân thứ nhất là dù bệnh nhân đã mắc COVID-19 nhưng virus chưa nhân lên đủ nồng độ để cho kết quả dương tính.
Nguyên nhân thứ hai rất quan trọng đó là nguyên nhân kỹ thuật. Kỹ thuật lấy mẫu phải đảm bảo chuẩn, mẫu có chất lượng. Theo Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Viết Nhung, nếu lấy mẫu thật tốt thì chắc chắn sẽ làm tốt.
Với nguyên nhân thứ nhất, những người có kết quả xét nghiệm Real-Time PCR có kết quả âm tính vẫn cần cách ly 14 ngày sau khi tiếp xúc gần với người bệnh, người nghi nhiễm, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương lưu ý.
Chống COVID-19 phải giống như chống lao
Bày tỏ lo lắng về tốc độ xét nghiệm của Hà Nội, Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Viết Nhung chia sẻ, Hà Nội đã để thời gian khá dài vì tốc độ xét nghiệm chưa đáp ứng được. Trước đó, Hà Nội đã quyết định xét nghiệm Real-Time PCR cho toàn bộ số người từ Đà Nẵng trở về từ ngày 15/7.
Với những người trở về từ 7-17/7 sẽ thực hiện xét nghiệm huyết thanh phát hiện người đã từng mắc COVID-19 và đã khỏi để truy vết những người tiếp xúc trong thời gian đấy để không bỏ sót.
[Tăng năng lực xét nghiệm SARS-CoV-2 thông qua phương pháp gộp mẫu]
Tuy nhiên, đến thời điểm này, do chưa thực hiện được theo đúng kế hoạch, nên theo tôi, Hà Nội nên đẩy việc xét nghiệm huyết thanh lên một tuần, còn những trường hợp sau đấy thì tích cực thực hiện xét nghiệm Real-Time PCR hàng loạt.
Hệ thống CDC của các quận, huyện, của thành phố phải tích cực như đợt trước thì chúng ta mới đáp ứng yêu cầu.
“Tôi cho rằng, việc chống COVID-19 phải thực sự giống như chống lao. Muốn phát hiện, giải quyết nguồn lây, phải phát hiện chính xác con virus mới có tác dụng. Tuy nhiên, đối với những đối tượng đã qua thời hạn để sử dụng phương pháp Real-Time PCR, thì chúng ta cần xét nghiệm huyết thanh để tìm kháng thể để biết rằng trong trong quá khứ gần đây người ta đã mắc và đã khỏi; để có thể truy vết những người đã tiếp xức gần có nguy cơ mắc bệnh. Nhưng làm được như vậy là cả một sự gian khổ cho hệ thống y tế và cần quyết tâm chính trị rất cao,” Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Viết Nhung bày tỏ.
Giữ thật chặt từ cổng bệnh viện
Bệnh viện Phổi Trung ương đã lập kế hoạch dài hơi để bảo vệ bệnh viện ứng phó với COVID-19 và tăng phát hiện bệnh nhân lao.
Bệnh viện hiện có khoảng 800 bệnh nhân với đủ các bệnh về phổi như ung thư, phổi tắc nghẽn mãn tính, hen, xơ phổi, bệnh phổi kẽ... Và nếu mắc COVID-19 thì vô cùng nguy hiểm vì họ sẽ rất dễ lây và nguy cơ tử vong rất cao.
Vì thế, Bệnh viện Phổi Trung ương phải giữ thật chặt từ ngoài cổng với ba lớp bảo vệ. Đầu tiên là từ cổng vào, bệnh viện bố trí tập trung ra vào tại một cổng phía Hoàng Hoa Thám. Tất cả bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và khách đến đều được kiểm tra đúng theo quy định của Bộ Y tế như đo nhiệt độ từ xa bằng máy đo hồng ngoại, khai báo điện tử kết hợp khai báo giấy.
Khoa khám bệnh là lớp thứ hai và trong hệ thống bệnh viện lại tiếp tục sàng lọc. Nếu có nghi ngờ sẽ chuyển làm ngay làm xét nghiệm Gene Xpert…
Theo Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, trong thời gian tới, Bệnh viện Phổi Trung ương sẽ xây dựng quy định trong chỉ định xét nghiệm Xpert cùng với xét nghiệm Real-Time PCR thường quy.
Có 3 trường hợp cần làm xét nghiệm nhanh đó là sàng lọc lớp 1 có yếu tố dịch tễ, nếu nghi ngờ, sàng lọc lớp 2 với các triệu chứng lâm sàng nghi COVID-19 và ngay trong các khoa điều trị theo dõi có những bất thường nghi COVID-19.
Người bệnh nên được làm xét nghiệm ngay và cho kết quả nhanh để có quyết định phân loại giảm thiểu tiếp xúc và lây lan./.