Hỏi đáp COVID-19: Người mắc Omicron có bị di chứng hậu Covid hay không

Biến thể Omicron gây mắc COVID-19 có xu hướng bệnh nhẹ, song không có nghĩa tỷ lệ người nhiễm chủng này mắc hội chứng COVID kéo dài sẽ giảm hơn so với biến thể Delta hay Alpha.

Hỏi: Người mắc COVID-19 từ biến thể Omicron nhìn chung đều có triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng nên có thể bình phục sau vài ngày. Tuy nhiên, các bác sĩ cho rằng không vì thế mà người bệnh chủ quan với nguy cơ mắc triệu chứng "Covid kéo dài" (Long Covid). 

Trả lời: Hiện nay, biến thể Omicron có tốc độ lây lan nhanh và đang thay thế dần biến thể Delta. Dữ liệu sơ bộ cho thấy biến thể Omicron có thể gây ra bệnh nhẹ hơn nhưng số người mắc vẫn có thể chuyển nặng, cần nhập viện và tử vong. Bên cạnh dấu hiệu thay đổi so với Delta, người nhiễm Omicron cũng có nguy cơ bị các triệu chứng COVID kéo dài.

Tổ chức Y tế Thế giới đã đưa ra định nghĩa mới về hội chứng COVID kéo dài. Đây là tình trạng có thể xuất hiện sau đợt mắc COVID-19 cấp tính hoặc kéo dài từ khi F0 nhiễm bệnh đến lúc khỏi. Các triệu chứng có thể xuất hiện không thường xuyên hoặc tái phát theo thời gian. Các triệu chứng phổ biến bao gồm mệt mỏi, khó thở, rối loạn chức năng nhận thức,...

Tiêm vaccine vẫn là biện pháp hữu hiệu giúp cơ thể chống lại diễn tiến nặng của bệnh và giảm tử vong do Omicron gây ra. Đến nay, tỷ lệ nhập viện và tử vong do Omicron gây ra tương đối thấp do đã có nhiều người được tiêm chủng. Tiêm chủng thúc đẩy phản ứng miễn dịch của cơ thể đối với virus, không chỉ bảo vệ cơ thể khỏi các biến thể hiện đang lưu hành bao gồm cả Omicron, mà còn có khả năng bảo vệ cơ thể khỏi bệnh nặng do các đột biến trong tương lai của COVID-19./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục