Hội đồng Bảo an gia hạn sứ mệnh phái bộ LHQ tại Iraq

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã họp và thông qua nghị quyết gia hạn sứ mệnh của Phái bộ Hỗ trợ Liên hợp quốc tại Iraq (UNAMI) thêm một năm, đến 31/7/2015.
Hội đồng Bảo an gia hạn sứ mệnh phái bộ LHQ tại Iraq ảnh 1Phiến quân thuộc Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận đông (ISIL) tại một vị trí ở tỉnh Salaheddin, Iraq ngày 14/6. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 30/7, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã họp và thông qua nghị quyết gia hạn sứ mệnh của Phái bộ Hỗ trợ Liên hợp quốc tại Iraq (UNAMI) thêm một năm, đến 31/7/2015.

Theo phóng viên TTXVN tại New York, trong nghị quyết trên, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã bày tỏ nỗi lo ngại sâu sắc trước hoạt động của các nhóm khủng bố, đặc biệt là nhóm thánh chiến tự xưng "Vương quốc Hồi giáo" (IS) - tiền thân là tổ chức "Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và vùng Levant” (ISIL).

Nghị quyết trên cũng cực lực lên án những hành động dã man của IS chống lại dân thường Iraq, gây mất ổn định tại quốc gia này, đồng thời đe dọa trật tự và an ninh trên toàn khu vực.

Văn kiện nói trên cũng xác định an ninh của các nhân viên Liên hợp quốc là ưu tiên đối với UNAMI đồng thời kêu gọi các nước thành viên Liên hợp quốc tiếp tục hỗ trợ phái bộ này.

Từ ngày 9/6 đến nay, các tay súng IS đã liên tục phát động các cuộc tấn công ở phía Bắc và phía Tây Iraq, chiếm giữ quyền kiểm soát nhiều thành phố ở hai khu vực này.

Không chỉ thế, các tay súng của tổ chức này còn tuyên bố thành lập "Vương quốc Hồi giáo" kéo dài từ Syria tới Iraq với tham vọng sẽ thống trị toàn bộ thế giới Hồi giáo trong tương lai, khiến tổ chức này đang trở thành một trong những thách thức lớn nhất đối với an ninh ở toàn bộ vùng Trung Đông.

Cũng tại phiên họp trên, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã quyết định kéo dài sứ mệnh của Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Cyprus (UNFICYP) thêm 6 tháng, đến 31/1/2015.

Cơ quan quyền lực nhất Liên hợp quốc nhận định các tiến bộ trong quá trình đàm phán gần đây giữa hai cộng đồng người Cyprus gốc Hy Lạp và người Cyprus gốc Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa đưa lại một giải pháp toàn diện và lâu dài cho quốc đảo này, đồng thời hối thúc các bên tiếp tục thảo luận.

Đảo Cyprus bị chia cắt từ năm 1974 sau khi Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân chiếm đóng khu vực miền Bắc và thành lập nhà nước của cộng đồng người Cyprus gốc Thổ Nhĩ Kỳ - hiện vẫn chưa được quốc tế công nhận./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục