Hội nghị G-20 chất thêm "gánh nặng" lên các ngân hàng trung ương

Hội nghị G-20 bế mạc mà không đưa ra bất kỳ cam kết cụ thể nào nhằm thúc đẩy đà tăng trưởng trì trệ của kinh tế toàn cầu đang làm khó các ngân hàng trung ương.
Hội nghị G-20 chất thêm "gánh nặng" lên các ngân hàng trung ương ảnh 1Các quan chức cấp cao tham dự diễn đàn tại Hội nghị G20 ở Thượng Hải. (Nguồn: THX/TTXVN)

Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G-20) bế mạc mà không đưa ra bất kỳ cam kết cụ thể nào nhằm thúc đẩy đà tăng trưởng trì trệ của kinh tế toàn cầu đang làm khó các ngân hàng trung ương.

Hội nghị G-20 khép lại chỉ đưa ra nhận định rằng chỉ một mình các chính sách tiền tệ không thể chống chọi các thách thức toàn cầu ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, giới quan chức chỉ ra tuyên bố chung chung cam kết thực thi mọi công cụ chính sách hiện có để thúc đẩy đà phục hồi kinh tế toàn cầu mà không đưa ra bất kỳ giải pháp quyết đoán nào.

Theo Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble, sau nhiều năm nỗ lực vực dậy nền kinh tế nhưng không thành, các ngân hàng và các quan chức tài chính hàng đầu đang lo ngại rằng các chính sách tiền tệ đang mất dần hiệu lực. Chưa dừng lại ở đó, việc tiếp tục thực thi các chính sách này trong tương lai còn có thể mang lại “lợi bất cập hại.”

Các công cụ quen thuộc được các ngân hàng trung ương sử dụng như duy trì tỷ lệ lãi suất ở mức thấp và triển khai các chương trình thu mua trái phiếu chính phủ quy mô lớn có thể tạo ra “bong bóng” giá tài sản, trong đó phải kể đến giá bất động sản.

Các doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả cũng tận dụng chính sách này nhờ tiếp cận được các khoản vay lãi suất thấp, qua đó làm xói mòn tính cạnh tranh giữa các doanh nghiệp.

Lãi suất thấp còn làm giảm lợi nhuận ngân hàng, hệ lụy kéo theo là giảm khả năng cho vay của các thể chế tài chính này. Trong khi đó, chương trình thu mua trái phiếu chính phủ còn làm giảm thanh khoản và “kìm chân” các doanh nghiệp tiếp cận thị trường.

Ông Schaeuble cho biết nếu muốn nền kinh tế thực tăng trưởng phải đẩy mạnh cải cách.

Hội nghị G-20 diễn ra tại Thượng Hải, Trung Quốc trong hai ngày 26-27/2. Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh tăng trưởng của Trung Quốc gây lo ngại và Bắc Kinh liên tục hạ giá đồng nội tệ để hỗ trợ xuất khẩu.

Nhóm G-20 đang nắm giữ 86% nền kinh tế thế giới, chiếm 2/3 dân số thế giới và 75% thương mại toàn cầu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục