Hơn 260 liệt sỹ TTXVN đã hy sinh cho những dòng tin "chảy mãi"

Hơn 260 liệt sỹ của Thông tấn xã Việt Nam đã ngã xuống trong các cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc, chiếm hơn 25% tổng số cán bộ, nhân viên Thông tấn xã Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh.
Hơn 260 liệt sỹ TTXVN đã hy sinh cho những dòng tin "chảy mãi" ảnh 1Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Nguyễn Đức Lợi trao sổ tiết kiệm cho các thân nhân gia đình liệt sỹ. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)

Trong lịch sử gắn bó với sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước của Thông tấn xã Việt Nam, nhiều phân xã Thông tấn xã bị địch xóa xổ, có lần vừa phát tin xong thì các cán bộ bị địch phát hiện, ba đồng chí hy sinh, một đồng chí bị bắt. Thế nhưng, cứ mỗi lần phân xã bị hủy diệt thì ngay lập tức một phân xã mới lại được “hồi sinh” để đảm bảo những dòng tin “chảy mãi.”

Đây là một trong những câu chuyện được kể lại tại Lễ Kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh-Liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2017) do Thông tấn xã Việt Nam tổ chức ngày 24/7 tại Hà Nội.

Hơn 260 liệt sỹ đã hy sinh

Trong suốt những năm kháng chiến giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc ở phía biên giới Tây Nam và phía Bắc, không có một chiến trường nào, không một mũi tiến quân vào vắng mặt phóng viên, nhân viên, kỹ thuật của Thông tấn xã Việt Nam. Nhiều người mãi mãi không bao giờ trở lại, một số phóng viên, kỹ thuật viên của TTXVN đã để lại một phần cơ thể mình nơi chiến trường.

Có thể nói, Thông tấn xã Việt Nam là cơ quan báo chí có nhiều liệt sỹ nhất. Hơn 260 liệt sỹ, nhà báo của Thông tấn xã Việt Nam hy sinh trong chiến tranh cứu nước và giữ nước, gần 30 cán bộ TTXVN bị thương từ loại 1 đến loại 4, chưa kể nhiều người bị thương tật suốt đời, bị chất độc da cam. Đó là tổn thất lớn lao nhưng cũng là niềm tự hào, truyền thống tươi thắm về lòng yêu nước, chí khí kiên cường, anh dũng của đội quân xung kích trên mặt trận báo chí và tư tưởng.

Các cán bộ, phóng viên, nhân viên kỹ thuật của Thông tấn xã Việt Nam đã ngã xuống trong các cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc chiếm hơn 25% tổng số cán bộ nhân viên Thông tấn xã Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh và chiếm tới 4/5 số nhà báo cả nước hy sinh.

[Ngày Thương binh - Liệt sỹ: TTXVN 70 năm tri ân người có công]

Phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh-Liệt sỹ, ông Nguyễn Đức Lợi, Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, Ủy viên trung ương Đảng nhấn mạnh: "Chỉ riêng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hơn 2​50 cán bộ, phóng viên, kỹ thuật viên của Thông tấn xã Việt Nam đã anh dũng ngã xuống. Có phân xã nhiều lần bị bom đạn địch giết hại hoàn toàn như phân xã Rạch Giá, phân xã Nam Tây Nguyên, phân xã Long An. Mỗi lần phân xã bị huỷ diệt, một phân xã mới lại được tổ chức lại, được 'hồi sinh' để đảm bảo thông tin liên tục."

"Mỗi nhà báo, liệt sỹ, thương binh của Thông tấn xã Việt Nam lại là một câu chuyện đẹp, cảm động về những năm tháng dũng cảm đối mặt với khó khăn, hiểm nguy nơi chiến trường. Những cán bộ Thông tấn xã Việt Nam ngã xuống ở tuổi đôi mươi, có người quên mình khi đang tác nghiệp, có người trúng bom ngay trên đường Trường Sơn, có cả người hy sinh, bị thương vì sốt rét ác tính hay khi đang vận chuyển máy móc, điện đài...," Tổng Giám đốc Nguyến Đức Lợi nói.

[Công đoàn TTXVN tri ân Đại đội nữ pháo binh Ngư Thủy anh hùng]

Trong số các liệt sỹ, có gia đình cả hai cha con hy sinh cho sự nghiệp Thông tấn như lão đồng chí Trần Bỉnh Khuôl (tức Hai Nhiếp) và người con là Trần Văn Dũng đều là phóng viên nhiếp ảnh Thông tấn cùng ngã xuống trên chiến trường miền Tây Nam Bộ. Có gia đình, hai anh em cùng hy sinh cho sự nghiệp Thông tấn như Bùi Văn Thưởng và em là Bùi Văn Tấn, phóng viên duy nhất có mặt trong trận Ấp Bắc. Má của các anh, bà Tám Nghiệp (tức Đoàn Thị Nghiệp) cũng là liệt sỹ, được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, Mẹ Việt Nam Anh hùng.

Hơn 260 liệt sỹ TTXVN đã hy sinh cho những dòng tin "chảy mãi" ảnh 2Tặng sổ tiết kiệm cho thân nhân gia đình liệt sỹ. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)

Tiếp nối truyền thống tri ân

Trong tháng Bảy, các cán bộ lãnh đạo Thông tấn xã Việt Nam cùng các đoàn thể đã tổ chức dâng hoa, thắp nhang tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ tại nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Vị Xuyên (Hà Giang), trao 60 sổ tiết kiệm, tổng trị giá 180 triệu đồng tặng các gia đình liệt sỹ, thương binh của cơ quan có hoàn cảnh khó khăn nhân kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh-Liệt sỹ. Đảng viên trong toàn Đảng bộ Thông tấn xã Việt Nam đã góp tặng hai căn nhà, hưởng ứng chủ trương của Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương tặng 100 nhà tình nghĩa cho các gia đình người có công tại tỉnh Quảng Trị.

Tính từ năm 1995 đến nay, Thông tấn xã Việt Nam đã xây dựng được 10 nhà tình nghĩa, tặng gần 600 sổ tiết kiệm với tổng số tiền gần 1,5 tỷ đồng cho các gia đình thương binh, liệt sỹ của ngành. Thông tấn xã Việt Nam đã góp hơn 1,8 tỷ đồng vào Quỹ Đền ơn đáp nghĩa Trung ương.

Riêng Quỹ “Vì nỗi đau da cam” của Thông tấn xã Việt Nam đã xây dựng hơn 50 nhà tình nghĩa, trao 110 xe lăn, hàng ngàn phần quà tặng các gia đình thương binh, liệt sỹ, nạn nhân chất độc da cam trong cả nước, với tổng số tiền hơn 5 tỷ đồng.

Thông tấn xã Việt Nam cũng thường xuyên cử các đoàn đến thăm hỏi, động viên, tặng quà các gia đình thương binh, liệt sỹ. Các đoàn thể cũng tổ chức hành hương về nguồn, thăm các khu di tích lịch sử, căn cứ địa cách mạng, các hoạt động nghĩa tình biên giới, hải đảo; chăm sóc gia đình người có công; dâng hoa tưởng niệm hương hồn các anh hùng liệt sỹ tại các nghĩa trang ba miền…

Không chỉ tổ chức các hoạt động “đền ơn đáp nghĩa,” trong nhiều năm qua, Thông tấn xã Việt Nam thường xuyên tổ chức tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ. Nhiều đoàn cán bộ được cử đi tìm kiếm hài cốt liệt sỹ trên các địa bàn từ Bắc chí Nam. Từ năm nhưng năm 1990 đến nay, Thông tấn xã Việt Nam đã quy tập được 39 hài cốt liệt sỹ và đưa về an táng tại các nghĩa trang.

Thông tấn xã Việt Nam đã ba lần cử cán bộ sang Campuchia, tìm kiếm hài cốt các nhà báo-liệt sỹ đã có mặt tác nghiệp thông tin bên cạnh các chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam làm nghĩa vụ quốc tế, góp tính mệnh cho công cuộc giải phóng đất nước bạn. Năm 2002, 4 hài cốt liệt sỹ của Thông tấn xã Việt Nam đã đưa được về các Nghĩa trang liệt sỹ Thành phố Hồ Chí Minh và Long An.

Gần đây nhất vào năm 2011, Cơ quan đại diện Thông tấn xã Việt Nam tại Đà Nẵng đã cùng gia đình tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ Hoàng Văn Đáo (quê Hải Dương, hy sinh tại Quảng Nam). Danh sách liệt sỹ của Thông tấn xã Việt Nam đến nay vẫn tiếp tục được bổ sung, cập nhật.

Trao lại những kỷ vật thiêng liêng của liệt sỹ Hoàng Văn Đáo cho Phòng truyền thống Thông tấn xã Việt Nam, anh Hoàng Hữu Nam, con trai liệt sỹ Hoàng Văn Đáo chia sẻ: “Những hành động như tạo việc làm cho con liệt sỹ, thăm khỏi thân nhân liệt sỹ khi ốm đau, tặng quà dịp lễ Tết… đã trở thành nguồn động viên lớn lao, giúp vơi đi bớt mất mát cho gia đình tôi, đặc biệt là mẹ tôi. Chúng thôi thêm tự hào vì bố chúng tôi là cán bộ của Thông tấn xã Việt Nam.”

Ông Nguyễn Đức Lợi khẳng định: “Cơ quan sẽ tiếp tục tổ chức đi tìm hài cốt liêt sỹ. Hiện nay, cơ quan mở rộng hướng tìm kiếm bằng việc phối hợp với các đội quy tập mộ liệt sỹ của các tỉnh, cung cấp thông tin, sơ đồ về các phần mộ liệt sỹ và tham gia cùng đội quy tập đi tìm.”

Những tấm gương hy sinh anh dũng của các thương binh, liệt sỹ mãi mãi là niềm tự hào của Thông tấn xã Việt Nam. Vì vậy, lãnh đạo, các cán bộ Thông tấn xã Việt Nam luôn giành sự quan tâm đặc biệt cho các hoạt động “đền ơn đáp nghĩa,” coi đó là trách nhiệm và tình cảm sâu nặng với các gia đình liệt sỹ, các đồng chí thương binh./.

Tại lễ kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh-Liệt sỹ, đại điện Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã trao tặng 6 kỷ niệm chương vì sự nghiệp ngành Lao động-Thương binh và Xã hội và trao bằng khen của Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho 5 tập thể, 5 cá nhân của Thông tấn xã Việt Nam.

Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam cũng đã trao bằng khen cho 3 tập thể, 5 cá nhân là cán bộ, thân nhân gia đình liệt sỹ, thương binh, có nhiều đóng góp cho công tác đền ơn đáp nghĩa.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục