Hơn 60% phụ nữ Việt Nam làm việc phi chính thức và không có lương

Phụ nữ khó tiếp cận những cơ hội việc làm tốt hơn nam giới, do đó tỷ lệ phụ nữ trong khu vực phi chính thức khá cao, có tới hơn 60% lao động nữ làm việc trong gia đình không hưởng lương và tự làm.
Hơn 60% phụ nữ Việt Nam làm việc phi chính thức và không có lương ảnh 1Lao động nữ chủ yếu làm việc ở khu vực phi chính thức, không được hưởng lương. (Ảnh minh họa: Phương Vy/TTXVN)

Phụ nữ khó tiếp cận những cơ hội việc làm tốt hơn nam giới. Do đó, tỷ lệ phụ nữ trong khu vực phi chính thức khá cao, có tới hơn 60% lao động nữ làm việc trong gia đình không hưởng lương và tự làm. Nguyên nhân của thực trạng này là do những rào cản từ quan niệm truyền thống vẫn còn đánh giá thấp khả năng, tiềm năng của phụ nữ.

Đây là những nhận định được đưa ra tại Toạ đàm về bình đẳng giới nhân dịp kỷ niệm ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 với chủ đề "Trao quyền kinh tế cho phụ nữ trong bối cảnh thế giới thay đổi về việc làm" do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với Liên hợp quốc tại Việt Nam tổ chức ngày 3/3 tại Hà Nội.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam nhấn mạnh: Trao quyền kinh tế cho phụ nữ và đảm bảo quyền của phụ nữ tại nơi làm việc có vai trò sống còn để thực hiện thành công Cương lĩnh hành động Bắc Kinh, Chương trình Nghị sự 2030 về Các mục tiêu phát triển bền vững và Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ CEDAW mà Việt Nam đã cam kết thực hiện.

“Chương trình nghị sự về các mục tiêu phát triển bền vững nhằm xây dựng một tương lại mà không ai bị bỏ lại phía sau, trong đó có phụ nữ và trẻ em gái. Điều này không thể đạt được nếu không xóa bỏ những rào cản và phân biệt đối xử trong luật pháp và thực tiễn để đảm bảo các cơ hội việc làm bền vững một cách bình đẳng cho phụ nữ,” ông Kamal Malhotra nói.

Theo số liệu báo cáo của Tổng cục Dạy nghề (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), lương bình quân hàng tháng của lao động nữ làm công có hưởng lương khoảng 4,58 triệu đồng/tháng, thấp hơn so với lao động nam là 5,19 triệu đồng/tháng. Đặc biệt, tỷ lệ lao động nữ trong khu vực phi chính thức khá cao, khoảng 62,4% lao động nữ làm việc trong gia đình, không hưởng lương và tự làm. Có tới 41,1% lao động nữ làm những công việc giản đơn; 43,6% lao động nữ làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp.

Theo đánh giá của các chuyên gia, một số quy định của pháp luật lao động còn phân biệt đối xử đối với nữ như quy định tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ, danh mục công việc không được sử dụng lao động nữ, chính sách đào tạo nghề và hỗ trợ việc làm sau học nghề chưa xoá bỏ được định kiến giới trong định hướng nghề nghiệp và lựa chọn ngành nghề đào tạo. Chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ còn nhiều vướng mắc trong thực tế, nhiều chính sách trong lĩnh vực lao động việc làm chưa được lồng ghép giới đầy đủ và hiệu quả.

Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng: “Những thay đổi hiện nay của thị trường việc làm đã tạo ra cơ hội và tác động đến việc nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ. Do đó, cần phải rà soát lại một số chính sách và chương trình liên quan đến quyền làm việc của phụ nữ và các quyền bình đẳng tại nơi làm việc ở khu vực phi chính thức và chính thức.”

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, các ý kiến tại buổi toạ đàm là dịp để nhìn lại những thành tựu, thách thức trong công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ đặc biệt là trong lĩnh vực lao động, việc làm và xác định phương hướng, giải pháp cho giai đoạn tiếp theo./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục