Hơn 800.000 thai phụ sẽ được tiêm vắcxin H1N1

Khoảng 800.000-900.000 phụ nữ mang thai trên 3 tháng được tiêm vắcxin ngừa cúm A/H1N1 từ nguồn vắcxin do WHO viện trợ cho Việt Nam.
Tiến sĩ Nguyễn Huy Nga - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và môi trường cho biết, ước tính trong cả nước sẽ có khoảng 800.000-900.000 phụ nữ mang thai trên 3 tháng sẽ được tiêm vắcxin ngừa cúm A/H1N1 từ nguồn vắcxin do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) viện trợ cho Việt Nam.

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống đại dịch cúm ở người diễn ra chiều 2/12 tại Hà Nội, Tiến sĩ Nga  cho biết sẽ có khoảng 280.000 cán bộ y tế trực tiếp tiếp xúc với bệnh nhân, người nghi ngờ mắc cúm A/H1N1 trong toàn quốc được tiêm vắc xin từ nguồn WHO viện trợ.

Phụ nữ mang thai trên 3 tháng và cán bộ y tế là 2 đối tượng nguy cơ cao cần được ưu tiên tiêm phòng vắcxin trong tình hình dịch cúm A/H1N1 lây lan như hiện nay.

Liên quan đến lô vắcxin cúm A/H1N1 của hãng GSK (GlaxoSmithKline) gây tử vong cho 2 trẻ em ở Canada và gây biến chứng cho nhiều người khác ở nước này, Tiến sĩ Nguyễn Huy Nga cho biết, GSK cũng đã có công văn thông báo với Bộ Y tế về việc Canada đình chỉ lưu hành lô vắcxin nói trên.

Tuy nhiên, đến thời điểm này Bộ Y tế chưa nhận được bất cứ thông tin nào từ WHO về lô vắcxin gây biến chứng nêu trên. Bộ Y tế cũng chưa có thông tin về loại vắcxin mà WHO viện trợ cho Việt Nam.

Theo quy trình, WHO sẽ cung cấp cho Việt Nam một số lô vắcxin để thử nghiệm tính an toàn trước khi cung cấp đủ 1,2 triệu liều.

Bộ Y tế cũng sẽ tiếp tục phối hợp với WHO để nghiên cứu dịch tễ học, lâm sàng, sự biến đổi của virus nhằm kịp thời điều chỉnh hướng dẫn giám sát, chẩn đoán, điều trị phù hợp.

Theo báo cáo mới nhất từ Bộ Y tế, tính đến ngày 1/12, Việt Nam đã ghi nhận 46 trường hợp tử vong do cúm A/H1N1. Như vậy, đã có 20 tỉnh, thành phố ở Việt Nam có bệnh nhân tử vong do cúm A/H1N1, nhiều nhất vẫn là ở khu vực miền Nam với 23 ca tử vong.

Về tình hình dịch cúm A/H5N1, Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân nên chủ động giám sát, phát hiện để điều trị kịp thời, đặc biệt là ở các địa phương đang có dịch cúm gia cầm bởi virus cúm A/H5N1 vẫn "âm ỉ" tồn tại trong môi trường cũng như trên gia cầm.

Hiện tại ở Điện Biên vẫn còn 2 ca nghi nhiễm cúm A/H5N1 đang được điều trị tại bệnh viện đa khoa tỉnh, trong đó có một người Trung Quốc. Hiện mẫu bệnh phẩm của 2 bệnh nhân này đang được phân tích./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục