IEA đề xuất các biện pháp cụ thể giảm mức tiêu thụ dầu

Căng thẳng Nga-Ukraine đã khiến giá dầu tăng vọt và một số nền kinh tế lớn như Mỹ, Canada áp đặt trừng phạt Nga thông qua việc cấm nhập khẩu dầu của nước này
IEA đề xuất các biện pháp cụ thể giảm mức tiêu thụ dầu ảnh 1Ảnh minh họa (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 18/3, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) đã hối thúc các chính phủ ngay lập tức thực thi các biện pháp nhằm cắt giảm mức tiêu thụ dầu trên toàn cầu trong vài tháng tới, do lo ngại cuộc xung đột tại Ukraine sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung năng lượng của thế giới.

Căng thẳng Nga-Ukraine đã khiến giá dầu tăng vọt và một số nền kinh tế lớn như Mỹ, Canada áp đặt trừng phạt Nga thông qua việc cấm nhập khẩu dầu của nước này.

IEA cảnh báo trong bối cảnh xuất khẩu dầu mỏ của Nga có nguy cơ tiếp tục bị giảm, các thị trường sẽ siết chặt nguồn cung và đẩy giá dầu lên cao hơn trong những tháng tới, khi thế giới bước vào giai đoạn nhu cầu đạt đỉnh.

Việc tăng nguồn cung các mặt hàng chủ chốt sẽ không thể hạ nhiệt tình trạng thiếu hụt hiện nay. Thay vào đó, các nền kinh tế phát triển, vốn chiếm khoảng 45% nhu cầu dầu mỏ trên toàn cầu, có thể cắt giảm nhu cầu trong nước.

Trên cơ sở đó, IEA đã đề xuất kế hoạch 10 điểm, với các biện pháp tập trung vào ngành giao thông vận tải có sức tiêu thụ dầu lớn. Các biện pháp này bao gồm giảm hạn chế tốc độ, làm việc tại nhà 3 ngày/tuần, không đi ô tô vào các ngày Chủ nhật, giảm giá vé đi lại bằng phương tiện công cộng, chọn đi tàu đường dài thay vì máy bay.

[IEA hạ dự báo nhu cầu dầu mỏ của thế giới trong năm 2022]

IEA hy vọng các biện pháp này sẽ giúp giảm bớt 2,7 triệu thùng dầu/ngày lượng tiêu thụ dầu ở các nước phát triển trong 4 tháng tới. Ước tính các nền kinh tế phát triển đang tiêu thụ 44-45 triệu thùng dầu/ngày.

Phát biểu tại họp báo, Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol bày tỏ hy vọng các quốc gia sản xuất dầu mỏ sẽ giúp hạ nhiệt nhu cầu tại các thị trường dầu mỏ sau phiên họp của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đối tác vào ngày 31/3 tới.

Trước đó, IEA đã hạ dự báo nhu cầu dầu mỏ của thế giới trong năm 2022 xuống còn 99,7 triệu thùng/ngày, đồng thời cảnh báo các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga có thể dẫn đến cú sốc nguồn cung trên toàn cầu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục