IMF: Rủi ro với sự ổn định tài chính gia tăng do xung đột Nga-Ukraine

Theo báo cáo, các điều kiện tài chính trên toàn cầu đã thắt chặt đáng kể và những rủi ro đối với triển vọng kinh tế đã gia tăng do xung đột giữa Nga và Ukraine.
IMF: Rủi ro với sự ổn định tài chính gia tăng do xung đột Nga-Ukraine ảnh 1Biểu tượng IMF tại Washington, DC, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong Báo cáo Ổn định Tài chính Toàn cầu (GFSR) mới công bố, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định những rủi ro đối với sự ổn định tài chính gia tăng, mặc dù không có yếu tố mang tính hệ thống nào trên toàn cầu gây ra ảnh hưởng đến các tổ chức tài chính hay các thị trường cho đến nay.

Theo báo cáo, các điều kiện tài chính trên toàn cầu đã thắt chặt đáng kể và những rủi ro đối với triển vọng kinh tế đã gia tăng do xung đột giữa Nga và Ukraine.

Sự thắt chặt về tài chính đã xuất hiện ở các nước Đông Âu và Trung Đông có quan hệ gần gũi với Nga, khi giá cổ phiếu giảm và lãi suất tiết kiệm tăng.

Các thị trường mới nổi và thị trường biên đối mặt với các điều kiện tài chính thắt chặt hơn và khả năng thoái vốn gia tăng, hiện ở mức 30%, so với 20% như được nêu ra trong GFSR được công bố tháng 10/2021.

[Ban điều hành IMF đình chỉ tư cách của chủ tịch người Nga]

Báo cáo mới nhất cảnh báo rủi ro bất ngờ đến từ sự leo thang xung đột tại Ukraine và các lệnh trừng phạt liên quan có thể nảy sinh và cùng với những rủi ro do đại dịch có thể gây ra sự sụt giảm mạnh giá tài sản.

Theo báo cáo, giá hàng hóa tăng mạnh đặt các ngân hàng trung ương đứng trước nhiệm vụ khó khăn là hạ nhiệt lạm phát đang ở mức cao kỷ lục và duy trì sự phục hồi kinh tế hậu đại dịch.

Báo cáo hối thúc các hành động quyết liệt nhằm kiềm chế đà tăng của lạm phát và giải quyết những rủi ro tài chính, trong khi tránh việc thắt chặt bất hợp lý các điều kiện tài chính, điều có thể làm chệch hướng sự phục hồi kinh tế hậu đại dịch.

Tại cuộc họp báo trực tuyến trong thời gian diễn ra các hội nghị mùa Xuân năm 2022 của IMF và Ngân hàng Thế giới, Giám đốc bộ phận tiền tệ và các thị trường vốn của IMF, Tobias Adrian, cho rằng chính sách tiền tệ cần được thắt chặt trong thời điểm này nhằm kiểm soát lạm phát và một số điều kiện tài chính bị siết lại là điều đã được lường trước.

Tuy nhiên, việc thắt chặt một cách mất kiểm soát gây ra hoạt động bán tháo hay sự mất giá của đồng tiền như những gì đã diễn ra vào tháng 3/2020, khi đại dịch bắt đầu bùng phát, là điều không mong muốn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục