Ngày 18/9, Ngân hàng Indonesia (BI - ngân hàng trung ương) bất ngờ cắt giảm lãi suất chủ đạo lần đầu tiên sau hơn 3 năm, do đồng rupiah mạnh lên và trước khi Mỹ dự kiến sẽ cắt giảm lãi suất.
Lãi suất mua lại đảo ngược 7 ngày đã giảm 25 điểm cơ bản xuống còn 6%, đánh dấu lần đầu tiên giảm kể từ đầu năm 2021.
Hai lãi suất chính khác của ngân hàng này cũng đã được cắt giảm 25 điểm cơ bản.
Phát biểu với báo giới, Thống đốc Perry Warjiyo nêu lý do ngân hàng giảm lãi suất là "hướng đi của lãi suất quỹ liên bang (FFR) đang trở nên rõ ràng hơn và đồng rupiah tương đối ổn định, thậm chí còn mạnh hơn."
FFR là lãi suất mà các ngân hàng tính cho các tổ chức khác khi cho họ vay tiền mặt dư thừa từ số dư dự trữ qua đêm.
BI đã liên tục tăng chi phí đi vay để bảo vệ đồng rupiah trong bối cảnh bất ổn kinh tế toàn cầu và lạm phát gia tăng. Nhưng với việc giá cả tăng chậm lại, Thống đốc Perry khẳng định quyết định cắt giảm này phù hợp với dự đoán của ngân hàng rằng lạm phát sẽ vẫn ở mức thấp trong năm 2024 và 2025.
Chuyên gia kinh tế cấp cao về châu Á tại Capital Economics, ông Gareth Leather, dự báo “khả năng sẽ có thêm các đợt cắt giảm nữa."
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) hồi tháng 6 cho biết nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á này sẽ tăng trưởng ổn định trong 2 năm tới nhờ tiêu dùng trong nước và đầu tư, dù xuất khẩu yếu./.
Giới phân tích đánh giá kịch bản Fed cắt giảm lãi suất đi 0,5 điểm phần trăm
Chuyên gia Stiglitz cho rằng Fed sẽ cắt giảm lãi suất đi 0,5 điểm phần trăm tại cuộc họp chính sách sắp tới do “đã đi quá xa và quá nhanh” trong việc thắt chặt chính sách tiền tệ mấy năm qua.