IPO Vinalines: Giá khởi điểm chào bán là 10.000 đồng/cổ phẩn

Trong đợt hành phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), Vinalines chào bán gần 489 triệu cổ phần. Phiên đấu giá sẽ diễn ra vào ngày 5/9 tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội.
IPO Vinalines: Giá khởi điểm chào bán là 10.000 đồng/cổ phẩn ảnh 1Lĩnh vực vận tải biển-cảng biển-logistics vẫn là thế mạnh của Vinalines tập trung khai thác. (Ảnh: TTXVN)

Hội thảo giới thiệu cơ hội đầu tư chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (roadshow) của Công ty mẹ - Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam do Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) phối hợp với với Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) tổ chức đã diễn ra chiều 20/8 tại Hà Nội.

Đại diện Vinalines cho biết, trong đợt hành phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), đơn vị chào bán 488.818.130 cổ phần (tương ứng với 34,8% vốn điều lệ của công ty mẹ) với mã cổ phần MVN.

[‘Vinalines rất hấp dẫn với những nhà đầu tư có tầm nhìn dài hạn’]

Phiên đấu giá sẽ diễn ra vào lúc 8 giờ 30 ngày 5/9 tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (số 2, Phan Chu Trinh, Hà Nội) cho các tổ chức và cá nhân trong nước đủ điều kiện theo Quy chế Bán đấu giá cổ phần Công ty mẹ - Tổng công ty Hàng hải Việt Nam do Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội ban hành ngày 7/8.

Giá khởi điểm chào bán cổ phần lần đầu là 10.000 đồng/cổ phần.

Theo Quyết định số 751/QĐ-TTg (ngày 20/6) của Thủ tướng Chính phủ (phê duyệt phương án cổ phần hóa công ty mẹ - Tổng công ty Hàng hải Việt Nam), hình thức cổ phần hóa công ty mẹ - Tổng công ty Hàng hải Việt Nam là kết hợp vừa bán bớt một phần vốn nhà nước hiện có tại doanh nghiệp, vừa phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.

Sau khi cổ phần hóa, công ty mẹ sẽ có vốn điều lệ 14.046,058 tỷ đồng, bao gồm giá trị vốn nhà nước là 11.946,058 tỷ đồng. Cơ cấu vốn điều lệ và cơ cấu cổ phần phát hành lần đầu tại công ty mẹ - Tổng công ty Hàng hải Việt Nam là Nhà nước nắm 65% vốn điều lệ; bán cho nhà đầu tư chiến lược 14,8% vốn điều lệ; bán ưu đãi cho cán bộ, công nhân viên và tổ chức công đoàn 0,2% vốn điều lệ; bán đấu giá công khai 20% vồn điều lệ.

[Vinalines: Tái cơ cấu là chìa khóa để con tàu vững bước ra khơi]

Sau đó, Bộ Giao thông Vận tải đã có Quyết định số 1659/QĐ-BGTVT phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư chiến lược và điều chỉnh số lượng cổ phần bán đấu giá công khai ra công chúng khi cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines).

Tuy nhiên, do không có bất cứ nhà đầu tư chiến lược nào đủ điều kiện tham gia mua cổ phần của công ty mẹ - Vinalines như kế hoạch đề ra nên Bộ Giao thông Vận tải buộc phải điều chỉnh cơ cấu cổ phần phát hành lần đầu, chuyển số lượng cổ phần chênh lệch giữa số cổ phần dự kiến bán cho nhà đầu tư chiến lược theo phương án cổ phần hóa được duyệt là 207.896.970 cổ phần với số cổ phần đăng ký mua thành công của nhà đầu tư chiến lược là 0 cổ phần thành số cổ phần thực hiện bán đấu giá công khai ra công chúng.

“Với quyết định này, tổng số cổ phần thực hiện bán đấu giá công khai ra công chúng là 488.818.130 cổ phần tương ứng với 34,8% vốn điều lệ của công ty mẹ,” đại diện Vinalines cho biết.

Trong hai năm gần đây, tình hình sản xuất kinh doanh của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đã có nhiều khởi sắc. Năm 2017, sản lượng vận tải biển của Vinalines đạt gần 25 triệu tấn (tăng gần 7% so với kế hoạch). Sản lượng hàng thông qua cảng đạt gần 90 triệu tấn (tăng 13% so với hoạch). Tổng doanh thu đạt gần 16.000 tỷ đồng, tăng gần 15% so với kế hoạch năm. Lợi nhuận hợp nhất của Công ty mẹ đạt 515 tỷ đồng cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Về kết quả kinh doanh sáu tháng đầu năm 2018, sản lượng vận tải biển đạt 12,28 triệu tấn (đạt 57,2% kế hoạch năm); sản lượng hàng thông qua cảng đạt 41,5 triệu tấn (đạt 42,4% kế hoạch năm), tổng doanh thu đạt hơn 6.650 tỷ đồng (đạt gần 49% kế hoạch năm)./.

Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, với tên giao dịch quốc tế VIETNAM MARITIME CORPORATION (VIMC), sau khi chuyển sang hoạt động theo mô hình quản trị mới, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam vẫn giữ mục tiêu đến năm 2020 là doanh nghiệp hàng đầu của ngành hàng hải Việt Nam trong các lĩnh vực vận tải biển, khai thác cảng biển và dịch vụ hàng hải.

Mục tiêu đến năm 2030 là trở thành doanh nghiệp có thương hiệu trong khu vực có năng lực cạnh tranh cao, phát triển mảng kinh doanh vận tải biển theo hướng củng cố đội tàu container và tàu hàng khô, chiếm lĩnh thị trường nhập khẩu, thị trường nội địa và tham gia thị trường nội Á. 
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục