Phó Giám đốc phụ trách hoạt động khai thác Behrouz Borna thuộc Tổ chức Địa chất của Iran (GOI) vừa cho biết quốc gia Hồi giáo này đang sở hữu 3% tài nguyên khoáng sản của thế giới, với giá trị ước đạt khoảng 770 tỷ USD.
Ông Borna cũng khẳng định rằng Iran đang sở hữu 12 mỏ khoáng sản lớn tầm cỡ, trong đó có rất nhiều mỏ vàng có trữ lượng lớn. Điều này cho thấy vị trí quan trọng của đất nước Hồi giáo trong việc phát triển các nguồn tài nguyên khoáng sản.
Tuy nhiên, quan chức của Iran lại than phiền về tình trạng lạc hậu của ngành địa chất khi nói rằng lĩnh vực khoa học này đã có bề dày phát triển 200 năm, nhưng GOI lại mới chỉ được thành lập cách đây chưa đầy 50 năm.
Ông Borna nhấn mạnh rằng mặc dù kỹ thuật lạc hậu nhưng đội ngũ công nhân kỹ thuật và cán bộ trong lĩnh vực địa chất đã làm việc hết sức mình để đưa Iran trở thành một trong tám nước hàng đầu trên thế giới về hoạt động địa chất.
Hiện tại, có tổng cộng hơn 100 quốc gia trên thế giới đang hoạt động trong lĩnh vực khai thác vàng với sản lượng trung bình khoảng 25 tấn/năm. Mức sản lượng sản xuất vàng hiện tại của Iran là khoảng 3 tấn/năm, nhưng Tehran đang hy vọng nhanh chóng đổi mới công nghệ trong hoạt động khai mỏ này để có thể đưa năng suất lên mức 25 tấn vàng/năm.
Tỉnh West Azarbaijan của Iran nằm ở vùng Tây Bắc giáp biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq là nơi tập trung rất nhiều mỏ khoáng sản lớn, đặc biệt là các mỏ vàng với trữ lượng ước tính khoảng 150.000 tấn.
Iran đang lên kế hoạch để đưa ngành công nghiệp vàng và đồ trang sức thay thế vị trí của dầu mỏ trong nền kinh tế của quốc gia Hồi giáo trong thời gian ngắn sắp tới nhằm đối phó với các lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây nhằm vào ngành dầu khí của nước này. Trong năm 2014, Iran xuất khẩu các mặt hàng phi dầu mỏ đạt con số kỷ lục 50 tỷ USD./.