Ít nhất 32 dân thường thiệt mạng trong vụ thảm sát tại Ethiopia

Tổ chức Ân xá quốc tế (AI) cho rằng số người thiệt mạng trong vụ thảm sát trên là 54 người và vụ việc này có thể gây áp lực lên Thủ tướng Abiy Ahmed, người đã nhận được giải Nobel Hòa bình năm 2019.
Lực lượng an ninh Ethiopia đột ngột rút khỏi khu vực trên trước khi vụ thảm sát xảy ra. (Nguồn: Reuters)
Lực lượng an ninh Ethiopia đột ngột rút khỏi khu vực trên trước khi vụ thảm sát xảy ra. (Nguồn: Reuters)

Ngày 2/11, cơ quan nhân quyền nhà nước Ethiopia cho biết một nhóm vũ trang hoạt động ở khu vực Oromia đã giết hại ít nhất 32 dân thường trong một cuộc thảm sát vào cuối tuần qua.

Trong một tuyên bố, Ủy ban Nhân quyền Ethiopia (EHRC) cho biết vụ tấn công kinh hoàng trên xảy ra ngày 1/11 tại khu vực Wollega, miền Tây Ethiopia và có đến 60 đối tượng tham gia.

Theo EHRC, những kẻ tấn công đã nhằm vào thành viên của Amhara, nhóm sắc tộc lớn thứ 2 ở Ethiopia. Số người thiệt mạng được thông báo chính thức là 32 người, nhưng điều tra ban đầu cho thấy con số này trên thực tế còn cao hơn nữa.

Theo hãng tin AFP, một người sống sót cho biết cuộc tấn công diễn ra sau khi lực lượng an ninh đóng quân trong khu vực đột ngột rời đi. EHRC đã kêu gọi nhà chức trách Ethiopia điều tra động thái này.

[CHDC Congo: 21 người thiệt mạng trong vụ thảm sát của lực lượng ADF]

Trong khi đó, Tổ chức Ân xá quốc tế (AI) cho rằng số người thiệt mạng trong vụ thảm sát trên là 54 người và vụ việc này có thể gây áp lực lên Thủ tướng Abiy Ahmed, người đã nhận được giải Nobel Hòa bình năm 2019, trong việc cải thiện an ninh ở một đất nước đang phải nỗ lực giải quyết vấn đề xung đột sắc tộc. AI cũng kêu gọi tiến hành điều tra vụ việc.

Trong một tuyên bố chiều 2/11, Thủ tướng Abiy cho biết lực lượng an ninh đã được triển khai đến khu vực trên và đang thực hiện các biện pháp nhằm khôi phục trật tự.

Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, chính quyền khu vực Oromia ngày 2/11 cho biết những kẻ tấn công thuộc Quân đội Giải phóng Oromo (OLA).

Nhóm này, với khoảng vài nghìn thành viên, đã tách khỏi Mặt trận Giải phóng Oromo (OLF), một nhóm đối lập đã từ bỏ cuộc đấu tranh vũ trang kể từ khi các nhà lãnh đạo lưu vong của họ trở về sau khi Thủ tướng Abiy lên nắm quyền vào năm 2018.

Chính phủ Ethiopia cho rằng chính OLA đã thực hiện một loạt vụ ám sát, đánh bom, cướp ngân hàng và bắt cóc ở Oromia./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục