Kết nối để sớm có thuốc điều trị cho bệnh nhân ngộ độc botulinum

Những ngày qua, liên tiếp xảy ra các vụ việc ngộ độc Botulinum trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh khiến nhiều người dân lo lắng.
Kết nối để sớm có thuốc điều trị cho bệnh nhân ngộ độc botulinum ảnh 1Các bác sỹ Bệnh viện Chợ Rẫy hỗ trợ điều trị cho các Bệnh nhân ngộ độc Botulinum tại Bệnh viện Đa khoa Khu vực Bắc Quảng Nam. (Ảnh: TTXVN)

Ngày 22/5, theo thông tin từ Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), thuốc giải độc tố botulinum là loại thuốc rất hiếm, do mỗi năm cả nước chỉ có vài ca bệnh nên các bệnh viện thường không dự trù đủ. Tuy nhiên, nguồn cung thuốc giải độc tố botulinum vẫn có, các bệnh viện sẽ liên hệ để đặt hàng.

Cục Quản lý Dược đã nhận được thông tin về việc Bệnh viện Chợ Rẫy (Thành phố Hồ Chí Minh) đang tạm hết thuốc giải độc tố botulinum. Ngay sau đó, Cục đã liên hệ với nhà nhập khẩu và được biết Bệnh viện Chợ Rẫy đã trao đổi với công ty về việc đặt hàng. Phía nhà nhập khẩu cũng đã liên hệ với nhà cung cứng phía nước ngoài để làm các thủ tục nhập khẩu.

[Những cách giúp người dân hạn chế nguy cơ ngộ độc Botulinum]

Cục Quản lý Dược cũng đã liên hệ với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) trong tình huống không mua được thuốc sẽ nhờ hỗ trợ từ WHO.

Những ngày qua, liên tiếp xảy ra các vụ việc ngộ độc Botulinum trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh khiến nhiều người dân lo lắng.

Trong ngày 14 và 15/5, các bệnh viện trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh liên tục tiếp nhận 6 trường hợp, trong đó có 3 người lớn và 3 trẻ em, đến cấp cứu trong tình trạng nôn ói, đau bụng, liệt cơ, khó nuốt. Các kết quả xét nghiệm cho thấy những người này ngộ độc với độc tố Botulinum.

Chuyên gia y tế cảnh báo bất cứ ai cũng có nguy cơ ngộ độc Botulinum vì đây không phải là loại vi khuẩn hiếm gặp và người dân cần có kiến thức để phòng, tránh nguy cơ ngộ độc vi khuẩn này.

Hiện nay, thuốc duy nhất trung hòa độc tố botulinum là thuốc Botulism Antitoxin Heptavalent (BAT). Tuy nhiên, đây là loại thuốc rất hiếm và đắt đỏ, chỉ có một hãng dược ở Canada sản xuất và có giá lên đến 8.000 USD/lọ.

Theo Cục Quản lý Dược, hiện nay việc mua sắm thuốc thuộc danh mục thuốc hiếm vẫn được thực hiện bởi các cơ sở khám chữa bệnh, theo quy định về mua sắm, đấu thầu thuốc.

Về cơ bản, nguồn cung tổng thể với các thuốc hiếm là không thiếu, chỉ thiếu ở một số cơ sở y tế do còn tồn tại các khó khăn trong công tác dự trù, xác định nhu cầu do phụ thuộc vào tình hình bệnh tật phát sinh của từng năm và trong công tác thực hiện mua sắm (thời gian thực hiện mua sắm kéo dài dẫn đến thiếu tính kịp thời trong mua sắm)./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục