Đức sẽ phải đối mặt với những nguy cơ ngày càng gia tăng và chi phí tốn kém nếu nước này không cải tổ hệ thống tài chính nhằm tập trung hơn vào chính sách chống biến đổi khí hậu và tính bền vững.
Đây là nội dung báo cáo mới công bố của Quỹ bảo vệ động vật hoang dã thế giới (WWF) và các tổ chức tài chính, bao gồm thị trường chứng khoán Đức.
Theo báo cáo trên, Đức cần học hỏi các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) khác như Pháp, Thụy Điển và Anh, thậm chí cả Trung Quốc trong việc sử dụng các thị trường vốn để khuyến khích đầu tư bền vững và hợp tác hướng đến các mục tiêu về khí hậu.
Nếu không có cách tiếp cận toàn diện, các nhà đầu tư và công dân Đức trong những năm tới có nguy cơ cao phải chịu nhiều tốn kém để đạt được những mục tiêu toàn cầu đầy tham vọng về cắt giảm phát thải khí CO2 theo Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu.
[WEF cảnh báo gia tăng các rủi ro kinh tế trong năm 2018]
Báo cáo cũng kêu gọi tiến hành các cuộc đánh giá bắt buộc về khí hậu nhằm tránh những khoản đầu tư không hiệu quả vào các lĩnh vực như công nghệ than đá.
Các khoản đầu tư như vậy sẽ gây lãnh phí khi mà cộng đồng quốc tế đều thực thi thỏa thuận Paris và dần dần từ bỏ các loại nhiên liệu hóa thạch.
Việc tiếp cận có hệ thống sẽ giúp định hướng đầu tư vào các lĩnh vực đầy triển vọng của thị trường năng lượng tái tạo thay vì tiếp tục khuyến khích tài trợ cho các dự án liên quan đến nhiên liệu hóa thạch. Điều này cũng có thể giúp tạo ra những cơ hội mới cho nhiều ngành nghề của nền kinh tế Đức.
Hiệp hội công nghiệp Đức BDI ước tính nước này sẽ phải chi hơn 1.000 tỷ euro để đáp ứng mục tiêu của EU giảm phát thải khí CO2 từ 80% đến 95% vào năm 2050.
BDI cho rằng để đạt được mục tiêu này, Đức cần có các khoản chi bổ sung lớn, đồng thời cảnh báo tính cạnh tranh của nền kinh tế Đức có thể gặp rủi ro trừ khi mục tiêu cắt giảm khí CO2 được áp đặt trên toàn cầu./.