Khai mạc chuỗi triển lãm cung ứng chuyên ngành dệt may

Chuỗi triển lãm quy tụ hơn 200 doanh nghiệp đến từ 15 quốc gia và vùng lãnh thổ như Anh, Ấn Độ, Đức, Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc, Thái Lan...
Khai mạc chuỗi triển lãm cung ứng chuyên ngành dệt may ảnh 1Đại diện Ban tổ chức, Bộ ngành và hiệp hội doanh nghiệp thực hiện nghi thức khai mạc các triển lãm. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)

Ngày 21/9, tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC), Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh, đã đồng loạt khai mạc Triển lãm quốc tế lần thứ 20 về máy móc, thiết bị công nghiệp ngành Dệt và May (VTG 2022); Triển lãm quốc tế về nguyên phụ liệu ngành Dệt và May (VITATEX); Triển lãm quốc tế ngành công nghiệp Hóa chất và Nhuộm Việt Nam (DYECHEM).

Các triển lãm này, do Công ty cổ phần Quảng cáo và Hội chợ thương mại Vinexad, Bộ Công Thương phối hợp cùng Công ty trách nhiệm hữu hạn Dịch vụ Thương mại và Tiếp thị Yokers, hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước tổ chức, nhằm mang đến chuỗi cung ứng chuyên ngành dệt may đến thị trường Việt Nam.

Ghi nhận tại các triển lãm năm nay cho thấy quy tụ hơn 200 doanh nghiệp đến từ 15 quốc gia và vùng lãnh thổ như Anh, Ấn Độ, Đức, Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc, Thái Lan...

[Gỡ khó cho ngành dệt may những tháng cuối năm 2022]

Với mục tiêu hướng đến thị trường rộng lớn đầy tiềm năng tại Việt Nam, từ nay đến hết ngày 24/9, những đơn vị tham gia các triển lãm giới thiệu chuỗi cung ứng tiên tiến, ứng dụng công nghệ hàng đầu và xu hướng phát triển trong tương lai từ máy móc, thiết bị phục vụ khâu sản xuất đến kinh doanh sản phẩm.

Tham quan các triển lãm, cộng đồng doanh nghiệp và khách tham quan sẽ có cơ hội tiếp cận những thiết bị nhà máy tự động và thông minh, phù hợp với xu hướng mới của ngành dệt may như nguyên liệu dệt tái chế, vải, nhuộm thân thiên môi trường...

Có thể kể đến nhiều thương hiệu nổi bật, gồm: Supreme - nhà cung cấp giải pháp tự động tùy chỉnh; Juki - thương hiệu máy may hàng đầu; Tajima - nhà cung cấp máy thuê cỡ lớn; Sansin - nhà cung cấp giải pháp in thông minh...

Khai mạc chuỗi triển lãm cung ứng chuyên ngành dệt may ảnh 2Khách tham quan trải nghiệm vận hành máy móc, thiết bị chuyên ngành dệt may tại các triển lãm. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)

Một số đơn vị tham gia các triển lãm năm nay cho biết hiện thị phần xuất khẩu dệt may của Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 3, đồng thời đạt 30,2 tỷ USD trong 8 tháng năm 2022.

Hơn thế nữa, dòng vốn đầu tư của FDI cho ngành dệt may của Việt Nam cũng cao nhất trong 5 năm gần đây nhờ những ưu đãi đầu tư mang tính chủ động từ phía Chính phủ, cùng đa dạng Hiệp định Thương mại tự do (FTA).

Những yếu tố này, tạo dựng nên nền tảng vững chắc để Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất may mặc hàng đầu tại châu Á.

Còn theo bà Judy Wang, Giám đốc điều hành công ty Trách nhiệm hữu hạn Dịch vụ Thương mại và Tiếp thị Yorkers, trước làn sóng đầu tư bùng nổ, các triển lãm được kỳ vọng trở thành điểm đến hấp dẫn cho nhà sản xuất dệt may Việt Nam tìm kiếm giải pháp nâng cấp ngành và mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp nước ngoài.

Riêng khách tham quan có thể tiếp cận giải pháp công nghiệp tiên tiến trong và ngoài nước, cập nhật thông tin thị trường mới nhất và kết nối doanh nghiệp hàng đầu trong ngành công nghiệp dệt may.

Xu hướng thị trường và sự phục hồi kinh tế của nhiều quốc gia xuất khẩu lớn trong giai đoạn hậu đại dịch COVID-19 đã mang lại tín hiệu tích cực về triển vọng tiếp tục tạo nên cơn sốt của ngành công nghiệp dệt may.

Đặc biệt, xu hướng này cũng khuyến khích doanh nghiệp, thương nhân quốc tế tìm cách tiếp cận thị trường tiềm năng tại Việt Nam và tái kích hoạt nền kinh tế như đầu tư, thương mại.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục