Kiểm toán Nhà nước hoàn thành xuất sắc vai trò Chủ tịch ASOSAI

Với vai trò Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam đã nỗ lực triển khai nhiều hoạt động kiểm toán quan trọng, hiệu quả, được cộng đồng kiểm toán tối cao thế giới đánh giá cao.
Kiểm toán Nhà nước hoàn thành xuất sắc vai trò Chủ tịch ASOSAI ảnh 1Chủ tịch ASOSAI, Tổng Kiểm toán nhà nước Việt Nam Hồ Đức Phớc phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

ASOSAI - Tổ chức các Cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á, được thành lập nhằm thúc đẩy sự hiểu biết và hợp tác lẫn nhau giữa các cơ quan thành viên thông qua việc trao đổi các ý tưởng và kinh nghiệm trong lĩnh vực kiểm toán công.

Với vai trò là Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam đã nỗ lực triển khai nhiều hoạt động kiểm toán quan trọng, hiệu quả, được cộng đồng các cơ quan kiểm toán tối cao trong khu vực và thế giới đánh giá cao.

Trước khi chuyển giao cho Kiểm toán Nhà nước Thái Lan vai trò Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2021-2024, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán Nhà nước Việt Nam Hồ Đức Phớc đã trả lời phỏng vấn của TTXVN về những kết quả nổi bật trong hoạt động kiểm toán thời gian qua.

- Xin ông cho biết, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam đã đạt được những kết quả nổi bật gì trong việc thúc đẩy hoạt động ngày càng hiệu quả, chuyên nghiệp, nhằm nâng cao vai trò, vị thế của kiểm toán nhà nước trong quản lý, giám sát tài chính, tài sản công?

Ông Hồ Đức Phớc: Hoạt động kiểm toán các lĩnh vực mới và quan trọng luôn được chú trọng và không ngừng nâng cao toàn diện cả về năng lực, hiệu lực và hiệu quả. Kiểm toán Nhà nước đã chủ động tìm tòi, nghiên cứu, học hỏi về kiến thức và kinh nghiệm của các Cơ quan Kiểm toán tối cao thành viên (SAI) tiên tiến trong khu vực và trên thế giới về kiểm toán các lĩnh vực mới nổi, các lĩnh vực khó, lĩnh vực nhiều rủi ro, chưa có tiền lệ.

Thực tế trong những năm gần đây cho thấy, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam đã có nhiều đột phá, sáng tạo trong hoạt động kiểm toán các lĩnh vực mới nổi, trong kiểm toán hoạt động và đã thu được kết quả rất ấn tượng, được Đảng, Chính phủ, Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao như kiểm toán về môi trường; kiểm toán các chuyên đề quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản...

[Cuộc họp ASOSAI lần thứ 55 thông qua nhiều nội dung quan trọng]

Với sự phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Kiểm toán Nhà nước đã chủ động nghiên cứu, xây dựng, ứng dụng nhiều phần mềm hỗ trợ hoạt động kiểm toán, nhanh chóng tiếp thu các thành tựu về kiểm toán công nghệ thông tin và ứng dụng công nghệ cao của các SAI tiên phong trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ thông tin, phân tích dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo như Kiểm toán Nhà nước của Anh, Nhật Bản, Trung Quốc...

Từ đó, tăng cường tính chuyên nghiệp, hiện đại và hiệu quả trong hoạt động kiểm toán của toàn ngành, trên cả ba loại hình kiểm toán, đó là kiểm toán tài chính, kiểm toán tuân thủ và kiểm toán hoạt động.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm toán là nền tảng bền vững cho sự phát triển của Kiểm toán Nhà nước trong bối cảnh hội nhập nền kinh tế số toàn cầu. Công tác ứng dụng công nghệ thông tin, khoa học-kỹ thuật vào kiểm toán được Tổng Kiểm toán Nhà nước chỉ đạo thực hiện quyết liệt.

Kiểm toán Nhà nước đã ban hành Chiến lược phát triển và kiến trúc tổng thể công nghệ thông tin của Kiểm toán Nhà nước giai đoạn 2019-2025, tầm nhìn đến năm 2030 nhằm định hướng hiện đại hóa toàn diện các hoạt động; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào các hoạt động của ngành, trong đó, tập trung xây dựng, hình thành hạ tầng số của Kiểm toán Nhà nước và ứng dụng các công nghệ số, phân tích dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo dựa trên nền tảng hạ tầng số.

- Xin ông cho biết nỗ lực của Kiểm toán Nhà nước Việt Nam trong việc tham gia có trách nhiệm và hiệu quả các hoạt động chung của cộng đồng ASOSAI/INTOSAI (Tổ chức quốc tế các Cơ quan Kiểm toán tối cao)? Những thành tựu nổi bật sau 2 năm thực hiện vai trò Chủ tịch ASOSAI là gì?

Ông Hồ Đức Phớc: Trước hết cần kể đến vai trò của Kiểm toán Nhà nước Việt Nam trên cương vị là Chủ tịch Ủy ban phát triển chiến lược của ASOSAI trong suốt 2 nhiệm kỳ liên tục từ năm 2015 đến nay; tiếp đó là nỗ lực của Kiểm toán Nhà nước Việt Nam với vai trò Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021 đã dẫn dắt Đại hội ASOSAI thông qua Tuyên bố Hà Nội với thông điệp có ý nghĩa quan trọng, đó là kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững.

Kiểm toán Nhà nước hoàn thành xuất sắc vai trò Chủ tịch ASOSAI ảnh 2Các đầu cầu tại cuộc họp trực tuyến Ban điều hành ASOSAI lần thứ 55. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Ngay sau khi Tuyên bố được thông qua, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam đã chủ động cùng với SAI Trung Quốc (Tổng thư ký ASOSAI) xây dựng Chương trình hành động của ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021, với 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm gồm kiểm toán các vấn đề mới nổi; ứng phó biến đổi khí hậu, thách thức ô nhiễm môi trường trên phạm vi khu vực và toàn cầu; cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chuyển đổi số; vai trò của SAI đối với thực hiện thành công các chương trình, mục tiêu quốc gia; tăng cường chia sẻ kiến thức, nâng cao năng lực kiểm toán của SAI.

Nhận thức sâu sắc nguy cơ mất an ninh nguồn nước, tình trạng nước biển dâng cao và xâm nhập mặn đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến lưu vực sông Mê Công nói chung và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Việt Nam nói riêng, Kiểm toán Nhà nước đã tích cực nghiên cứu, trình Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ chủ trương cho phép Kiểm toán Nhà nước Việt Nam chủ trì thực hiện cuộc kiểm toán hợp tác với chủ đề “Kiểm toán việc quản lý nguồn nước lưu vực sông Mekong gắn với thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.”

Với quyết tâm cao độ, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam nhận được sự đồng thuận, tham gia tích cực của Kiểm toán Nhà nước Thái Lan, Kiểm toán Nhà nước Myanmar ủng hộ, hỗ trợ kỹ thuật của các chuyên gia quốc tế uy tín, Ngân hàng Thế giới, Kiểm toán Nhà nước Indonesia, Kiểm toán Nhà nước Malaysia.

Ngày 22/12/2020, các SAI đã ký Điều khoản tham chiếu, cam kết mạnh mẽ thực hiện cuộc kiểm toán hợp tác có ý nghĩa quan trọng này và đây là một trong những minh chứng cho những nỗ lực to lớn của cộng đồng ASOSAI nói chung, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam nói riêng, nhằm thực hiện thành công Tuyên bố Hà Nội.

Bên cạnh đó, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam chủ trì khởi xướng và thực hiện phim tài liệu “ASOSAI vì sự phát triển bền vững” dự kiến trình chiếu tại Đại hội ASOSAI 15 năm 2021 tại Thái Lan, nhận được sự ủng hộ đông đảo của các thành viên Ban điều hành nhằm tuyên truyền và ghi nhận những đóng góp của ASOSAI nói chung, Chủ tịch ASOSAI nói riêng trong việc thúc đẩy và hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững theo Tuyên bố Hà Nội.

Không chỉ ASOSAI mà đối với Tổ chức quốc tế các Cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI), Kiểm toán Nhà nước Việt Nam cũng tham gia rất tích cực và trách nhiệm với vai trò đại diện cho một Nhóm làm việc khu vực của INTOSAI.

Thực hiện mục tiêu chiến lược trở thành Nhóm làm việc kiểu mẫu của INTOSAI và thúc đẩy hợp tác liên khu vực, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam trên cương vị Chủ tịch đã đại diện ASOSAI tham dự và đóng góp tham luận tại Đại hội các Cơ quan Kiểm toán tối cao khu vực Caribe (CAROSAI) lần thứ 11, Đại hội INTOSAI lần thứ 23 tại Nga...

Kiểm toán Nhà nước Việt Nam đã tiên phong đề xuất và triển khai cuộc kiểm toán hợp tác lưu vực sông Mê Công; Nhóm Kiểm toán công nghệ thông tin đề xuất triển khai 2 phần mềm công nghệ thông tin phục vụ hoạt động kiểm toán và tham gia nghiên cứu trong Nhóm phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin, Dữ liệu lớn của ASOSAI và INTOSAI.

Trong bối cảnh ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, trong năm 2020, nhiều hoạt động hợp tác quốc tế và thực hiện nhiệm vụ Chủ tịch ASOSAI bị hoãn, hủy, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam đã chủ động điều chỉnh hoạt động theo hình thức trực tuyến. Đặc biệt là cuộc họp Ban điều hành ASOSAI 55, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam chủ trì điều hành theo hình thức họp trực tuyến đã thành công tốt đẹp, được cộng đồng ASOSAI đánh giá rất cao.

- Theo kế hoạch, trong tháng 9/2021 sẽ diễn ra Đại hội ASOSAI lần thứ 15 và Kiểm toán Nhà nước Việt Nam sẽ chuyển giao vai trò Chủ tịch cho Kiểm toán Nhà nước Thái Lan, ông có thể cho biết, để thực hiện thắng lợi toàn diện nhiệm vụ Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam cần những nỗ lực gì?

Ông Hồ Đức Phớc: Năm 2021 là năm cuối của nhiệm kỳ Kiểm toán Nhà nước Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch ASOSAI và là năm khép lại việc thực hiện Kế hoạch chiến lược ASOSAI 2016-2021.

Theo đó, bám sát kế hoạch hoạt động năm 2021, thực hiện nhiệm vụ Chủ tịch ASOSAI, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh nhiệm vụ hàng đầu của ASOSAI là đào tạo, trao đổi học hỏi giữa các SAI thành viên mang tính chuyên sâu, đổi mới và thích ứng kịp thời với sự phát triển và thay đổi liên tục của môi trường quản lý tài chính công.

Hiện tại, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam đang phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Phát triển năng lực (Kiểm toán Nhà nước Nhật Bản) và các ủy ban, nhóm công tác của ASOSAI tăng cường chia sẻ kiến thức, thông lệ tốt và nâng cao vai trò của ASOSAI hỗ trợ các SAI thành viên, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19, hướng tới xây dựng một tổ chức với những thành viên chuyên nghiệp, năng động, sáng tạo và sẵn sàng ứng phó với những thách thức, những vấn đề mới nổi trong khu vực và trên thế giới.

Cuộc kiểm toán hợp tác về quản lý nguồn nước lưu vực sông Mê Công do Kiểm toán Nhà nước Việt Nam chủ trì tiếp tục phối hợp chuyên gia quốc tế tổ chức đào tạo, hướng dẫn lập kế hoạch kiểm toán cho các SAI tham gia từ tháng 1-2/2021.

Tháng 3 đến tháng 6/2021, các SAI sẽ thực hiện kiểm toán độc lập với sự điều phối của Kiểm toán Nhà nước Việt Nam và hướng dẫn chuyên môn của chuyên gia quốc tế.

Quý 4/2021, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam sẽ chủ trì tổ chức hội thảo quốc tế để chia sẻ báo cáo kết quả kiểm toán và thông lệ tốt về kiểm toán môi trường, mục tiêu phát triển bền vững với sự tham gia của các SAI, giới nghiên cứu và chuyên gia quốc tế đầu ngành.

Đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, Kiểm toán Nhà nước Thái Lan đang đề xuất tổ chức Đại hội ASOSAI lần thứ 15 theo hình thức trực tuyến với chủ đề ASOSAI và trạng thái bình thường mới, tập trung 4 khía cạnh: vai trò chiến lược của Chính phủ, thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDG), đẩy mạnh công nghệ thông tin và ứng phó với vấn đề mới nổi.

Đây cũng là những trụ cột chiến lược chính trong Kế hoạch chiến lược ASOSAI giai đoạn 2022-2027, phù hợp với bối cảnh và thách thức chung của khu vực và đáp ứng nhu cầu của hầu hết các thành viên của ASOSAI.

Theo đó, để chủ trì điều hành Đại hội diễn ra thành công, công tác chuẩn bị nội dung, chương trình nghị sự và hạ tầng kỹ thuật phải được xây dựng và chuẩn bị kỹ lưỡng. Đây cũng là những thách thức không nhỏ đối với ASOSAI nói chung và Kiểm toán Nhà nước Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASOSAI nói riêng.

Như vậy, trên cương vị Chủ tịch ASOSAI, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam có những đóng góp vì sự phát triển chung của cộng đồng ASOSAI được các SAI khu vực và quốc tế ghi nhận, thu hút sự quan tâm, hỗ trợ từ các đối tác phát triển quốc tế, nhằm củng cố năng lực điều hành, kỹ thuật và nghề nghiệp để giúp ASOSAI trở thành tổ chức kiểm toán tối cao chuyên nghiệp, hiện đại, tuân theo các chuẩn mực và thông lệ quốc tế.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục