Tờ Spiegel (Tấm gương) của Đức ngày 13/11 đăng tải bài viết "Lạm phát hủy hoại nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ như thế nào?" trong đó nhận định mặc dù đồng Lira của Thổ Nhĩ Kỳ đang dần hồi phục nhưng nhiều người dân Thổ Nhĩ Kỳ không nhận thấy điều đó.
Đối với họ, cuộc khủng hoảng kinh tế mới chỉ bắt đầu, giá lương thực đang tăng lên đáng kể.
Cuối tháng 9 vừa qua, Bộ trưởng Tài chính Thổ Nhĩ Kỳ Berat Albayrak đã có một tâm trạng tốt trước các nhà đầu tư tại New York: Bộ trưởng Tài chính Albayrak tuyên bố đầy tự hào rằng chính phủ của ông trong tương lai sẽ hợp tác với các công ty tư vấn chiến lược hàng đầu thế giới McKinsey.
Ông Albayrak nhấn mạnh bất cứ ai nghi ngờ kế hoạch này là một kẻ dốt nát hoặc kẻ phản bội.
Tuy nhiên, sự phấn khích của Bộ trưởng Albayrak chỉ kéo dài trong 3 ngày. Ông từng nghĩ rằng, cha vợ của mình - Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan sẽ ủng hộ kế hoạch này. Tuy nhiên, không những "chôn cất" thỏa thuận với McKinsey, Tổng thống Erdogan còn chỉ trích con rể mình trước công chúng.
Bộ trưởng Tài chính Albayrak, từng là niềm hy vọng của gia đình Erdogan, được kỳ vọng trong tương lai sẽ là người thừa kế ông Erdogan, đứng đầu nhà nước. Và giờ thì ông Albayrak lại là bộ mặt của cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất ở Thổ Nhĩ Kỳ kể từ năm 2001.
Mặc dù đồng Lira đã hồi phục nhẹ kể từ khi Thổ Nhĩ Kỳ trả tự do cho mục sư người Mỹ Andrew Brunson vào tháng 10, thâm hụt thương mại cũng đã thu hẹp, nhập khẩu và xuất khẩu thời điểm hiện tại gần như cân bằng, nhưng người dân Thổ Nhĩ Kỳ giờ mới thực sự cảm thấy những ảnh hưởng của suy thoái kinh tế.
Theo đó, chỉ số lạm phát đã tăng lên 25% trong tháng 10, mức cao nhất trong 15 năm qua.
[Dự trữ vàng lộ diện cuộc khủng hoảng kinh tế thực sự của Thổ Nhĩ Kỳ]
Thực phẩm đã trở nên đắt đỏ hơn 30%, trái cây và rau quả tăng giá 50%, những người có mức thu nhập thấp bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Nông nghiệp từng là trụ cột của nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ nhưng trong những năm gần đây, ngành này đã mất khả năng cạnh tranh trên trường quốc tế.
Các công ty lớn ban đầu được tư nhân hoá và sau đó bị phá sản. Đó là lý do tại sao Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang phụ thuộc vào nhập khẩu thực phẩm.
Gần 8 triệu người làm việc trong ngành nông nghiệp năm 2001, hiện nay chỉ còn 5,7 triệu người. Nông dân gặp khó khăn khi chi trả các khoản phí cho phân bón, xăng dầu và hạt giống từ nước ngoài.
Bộ trưởng Tài chính Albayrak từng hứa hẹn một "cuộc chiến toàn diện" chống lạm phát. Nhưng nhiều doanh nghiệp đã hối tiếc về việc giảm giá các mặt hàng, và giờ họ lại tăng giá.
Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody´s mới đây đưa ra dự đoán, chỉ số lạm phát của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ ở mức 2 con số vào năm 2019 và đang hướng đến một cuộc suy thoái, tăng trưởng kinh tế sẽ giảm 2% trong năm 2019.
Lạm phát và sự suy yếu của đồng Lira đồng nghĩa với việc các công ty đã đi vay bằng euro và USD gần như không thể trả được nợ. Hàng nghìn công ty đã phải nộp đơn xin khất nợ trong năm nay.
Đặc biệt ngành xây dựng bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng. Vừa qua, "Jeder Yapi" - một công ty lớn tham gia vào việc xây dựng sân bay mới ở Istanbul, đã bị phá sản.
Ông Tahir Tellioglu - Chủ tịch Hiệp hội công nghiệp xây dựng Thổ Nhĩ Kỳ ước tính, khoảng 70% xây dựng tư nhân đã bị tạm dừng hoặc trì trệ.
Tổng thống Erdogan đang phụ thuộc vào các nguồn vốn từ nước ngoài hơn bao giờ hết. Trong 12 tháng tới, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải trả khoản nợ 220 tỷ USD. Các nhà đầu tư đã mất niềm tin vào chính phủ ở Ankara.
Thổ Nhĩ Kỳ được coi là một nước có nguy cơ cao đối với các nhà đầu tư, đó là lý do tại sao giá cả ngày càng trở nên đắt đỏ hơn đối với các công ty Thổ Nhĩ Kỳ khi đi vay tiền. Hiện tại, Bộ Tài chính đã phải hỗ trợ 21 tỷ USD từ quỹ thất nghiệp cho các ngân hàng.
Tổng thống Erdogan tiếp tục né tránh những cải cách cơ cấu cần thiết để lấy lại sự tín nhiệm trên thị trường. Ông cũng loại trừ việc sử dụng Quỹ tiền tệ quốc tế.
Thay vào đó, ông thực hiện các hành động mang tính tượng trưng.
Bộ Tài chính đã huy động các nhà xuất khẩu phải gửi 8/10 doanh thu của họ vào các ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ.
Các giao dịch bất động sản chỉ có thể được thanh toán bằng đồng Lira. Ông Erdogan tuyên bố các cửa hàng tăng giá quá cao sẽ bị cảnh sát can thiệp./.