Lãnh đạo Bộ TN-MT dọn vệ sinh ‘chống rác thải nhựa’ dọc bờ biển Đồ Sơn

Theo Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân, mỗi người đều có thể “Làm cho thế giới sạch hơn” bằng những việc làm thật đơn giản như phân loại, tái chế, tái sử dụng chất thải, sử dụng tiết kiệm nguyên nhiên liệu.
Lãnh đạo Bộ TN-MT dọn vệ sinh ‘chống rác thải nhựa’ dọc bờ biển Đồ Sơn ảnh 1Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân (ngoài cùng bên trái) và các đại biểu với cán bộ hội viên phụ nữ tại địa phương thu gom rác thải dọc bờ biển Đồ Sơn. (Ảnh: An Đăng/TTXVN

Sáng nay, 12/9, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân, cùng các đại biểu và đông đảo nhân dân thành phố Hải Phòng, đã tham gia dọn vệ sinh dọc bờ biển Đồ Sơn nhằm kêu gọi các tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp và nhân dân cùng hành động vì một thế giới sạch hơn.

Hoạt động trên nằm trong khuôn khổ Lễ phát động quốc gia hưởng ứng Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn năm 2019, với chủ đề “Hành động địa phương, tác động toàn cầu,” do Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng tổ chức.

Không sử dụng các sản phẩm nhựa dùng 1 lần

Chia sẻ tại buổi lễ phát động. Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết, cùng với 130 quốc gia trên thế giới, năm 2019, Việt Nam tổ chức Lễ phát động hưởng ứng Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn với chủ đền “Hành động địa phương, tác động toàn cầu,” trong đó tập trung chính vào vấn đề giảm thiểu, chống ô nhiễm rác thải nhựa.

Đây là nội dung thiết thực nhằm kêu gọi toàn hệ thống chính trị, các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp và đồng bào cả nước cùng chung tay, đồng lòng, quyết tâm hành động và thực hiện mục tiêu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là đến năm 2021, các cửa hàng, chợ, siêu thị ở đô thị không sử dụng đồ nhựa dùng một lần; phấn đấu đến năm 2025, cả nước không sử dụng đồ nhựa dùng một lần.

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh, ô nhiễm rác thải nhựa là vấn đề có tính liên vùng, xuyên biên giới. Bởi vậy, giải quyết vấn đề này cần có sự chung tay của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp và từng người dân Việt Nam trong nỗ lực chung của khu vực và toàn cầu.

Với nhu cầu cấp thiết trên, lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị, các cấp, ngành, cơ quan đơn vị, doanh nghiệp và cộng đồng cùng hành động, triển khai thực hiện các hoạt động như không sử dụng các sản phẩm nhựa dùng 1 lần tại các cơ quan, đơn vị; phát động phong trào thu gom, phân loại các sản phẩm dùng từ nhựa, bao bì, túi ni lông và vận chuyển đến nơi tái chế, xử lý theo quy định.

[Chia sẻ trách nhiệm giải quyết vấn đề rác thải nhựa trong ngành bao bì]

Bên cạnh đó, các cấp, các ngành cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về tác hại của chất thải nhựa, túi nilon đối với kinh tế - xã hội, môi trường và sức khỏe con người; xây dựng các giải pháp hữu hiệu nhằm giảm thiểu tiêu thụ, tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa đến cộng đồng và người dân.

Các doanh nghiệp, siêu thị, chợ, trung tâm thương mại cần sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường thay thế các sản phẩm nhựa sử dụng một lần. Mỗi người dân cần tham gia hưởng ứng Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn bằng những việc làm thật đơn giản như phân loại, tái chế, tái sử dụng chất thải, sử dụng tiết kiệm nguyên nhiên liệu; đặc biệt là hạn chế sử dụng sản phẩm nhưa dùng một lần.

Ngoài ra, Việt Nam cần tăng cường hợp tác toàn cầu, khu vực, quốc gia và mỗi địa phương cũng như cần các nhà quản lý, phà phân phối và đặc biệt là người tiêu dùng thông minh,… nhằm hướng tới mục tiêu giảm rác thải nhựa toàn cầu, rác thải nhựa đại dương và rác thải nhựa tại Việt Nam.

Lãnh đạo Bộ TN-MT dọn vệ sinh ‘chống rác thải nhựa’ dọc bờ biển Đồ Sơn ảnh 2Lãnh đạo thành phố Hải Phòng với cán bộ hội viên phụ nữ tại địa phương thu gom rác thải dọc bờ biển Đồ Sơn. (Ảnh: An Đăng/TTXVN

Phụ nữ góp phần giảm thiểu “ô nhiễm trắng”

Bà Nguyễn Thị Tuyết - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho biết, phụ nữ chiếm trên 50% dân số,  là lực lượng quan trọng trong tất cả các khâu của quản lý rác thải nhựa, từ sản xuất, sử dụng, thu gom đến phân loại, tái chế cũng như trong tổ chức phân loại rác tại nguồn và giảm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần tại hộ gia đình và cộng đồng.

Với mạng lưới tổ chức đến tận các thôn bản, hơn 104.000 chi hội trưởng, 245.000 tổ trưởng, và hơn 19 triệu hội viên; hội viên, phụ nữ và Hội Phụ nữ các cấp là lực lượng quan trọng trong góp phần giảm thiểu tình trạng “ô nhiễm trắng.”

Hưởng ứng phong trào “Chống rác thải nhựa” do Thủ tướng Chính phủ phát động, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã cam kết và tích cực thực hiện các hoạt động “nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần.” Trước tiên là bắt đầu từ việc giảm thiểu tiêu thụ các sản phẩm nhựa và túi nylon khó phân hủy, nhất là các sản phẩm nhựa dùng một lần.

[Quảng Ninh hạn chế rác thải nhựa để có thêm nhiều khách sạn xanh]

Thực tế, trong thời gian qua, nhiều mô hình, cách làm hay tại địa phương cũng đã được xây dựng và nhân rộng như mô hình “Phụ nữ xử lý rác thải văn minh - biến rác thành tiền,” hay “Phụ nữ không sử dụng rác thải nhựa một lần trong sinh hoạt,” “Sử dụng túi, ống hút thân thiện với môi trường”…

“Với nhiều hoạt động thiết thực, các cấp Hội đã và đang góp phần tích cực tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của mỗi cán bộ, hội viên, phụ nữ và cộng đồng về chống rác thải nhựa, góp phần bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp,” bà Tuyết chia sẻ.

Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cũng khẳng định, trong thời gian tới, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam ở các cấp sẽ tập trung tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức, hành vi của phụ nữ trong quản lý rác thải nhựa; xây dựng các mô hình sinh kế, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ trong phân loại, thu gom, tái chế rác thải nhựa…

Về phía địa phương, ông Lê Khắc Nam - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng cho biết, song hành cùng các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, địa phương cũng đặc biệt quan tâm chú trọng công tác bảo vệ môi trường, triển khai đồng bộ các nhiệm vụ để giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Thời gian qua, Hải Phòng đã kiện toàn và tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ quản lý môi trường, tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức về môi trường trong các tầng lớp nhân dân; nâng cao chất lượng xử lý chất thải rắn, đặc biệt là giải quyết vấn đề rác thải nhựa, tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm về môi trường…

Cũng trong khuôn khổ buổi lễ, các đại biểu và đông đảo nhân dân đã cùng tham gia dọn vệ sinh dọc bờ biển Đồ Sơn, truyền đi thông điệp của Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2019./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục