Lãnh đạo TP.HCM cam kết không để thiếu khẩu trang, nhu yếu phẩm

Tính đến 18 giờ ngày 21/3, Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận 21 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 3 bệnh nhân đã bình phục sức khỏe và xuất viện.
Đoàn kiểm tra làm việc tại Quận 11. (Ảnh: TTXVN phát)
Đoàn kiểm tra làm việc tại Quận 11. (Ảnh: TTXVN phát)

“Thành phố Hồ Chí Mính sẽ cung ứng đủ khẩu trang và các nhu yếu phẩm cho người dân, nhất là tại các khu cách ly tập trung, cách ly tại nhà. Ngoài ra, thành phố dứt khoát không để cán bộ, nhân viên y tế thiếu trang thiết bị làm việc, dụng cụ bảo hộ và nhiễm bệnh trong quá trình điều trị cho các bệnh nhân.”

Đây là khẳng định của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong trong buổi kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh tại Quận 11 và Quận 8 vào ngày 21/3.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Quận 11 Trần Phi Long cho biết, quận đã khảo sát địa điểm, xây dựng, vận hành khu cách ly y tế tập trung của quận tại toà nhà Lô 1 (Khu A thuộc chung cư Phú Thọ trên đường Lữ Gia, Phường 15) với quy mô ban đầu là 20 giường bệnh, có thể mở rộng đến 100 giường bệnh tùy theo tình hình dịch. Hiện tại Quận 11 đang cách ly, theo dõi sức khỏe 87 người (15 người đang ở khu cách ly tập trung và 72 người đang tự cách ly tại nhà).

Trong thời gian tới quận sẽ thành lập một khu cách ly tập trung tại một tòa nhà 9 tầng với 67 căn hộ, mỗi căn hộ có 3 phòng. Quận cũng phân công Bệnh viện Quận 11 và Trung tâm Y tế của quận phối hợp khoanh vùng, cách ly theo quy trình đối với những đối tượng từ vùng dịch trở về hoặc những người đã tiếp xúc gần với bệnh nhân.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Nguyễn Thành Phong yêu cầu Quận 11 luôn giữ vững tinh thần, vững vàng, không được chủ quan, làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền. Bên cạnh đó, cần có phương án nắm thông tin, chuẩn bị lực lượng tại chỗ, nhất là phải nắm được tình hình sức khỏe người dân trong từng khu phố, đặc biệt là những người cao tuổi.

Đồng thời, quận cần quan tâm đến các chợ truyền thống, nhắc nhở tiểu thương đeo khẩu trang để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cộng đồng.

Còn tại Quận 8, địa phương vừa có hai ca dương tính với virus SARS-CoV-2, đang cách ly tập trung 23 người nghi ngờ  nhiễm virus (F1) và cách ly tại nhà 1.113 người.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Quận 8 Trần Quang Thảo cho biết, ngay khi có các trường hợp mắc COVID-19, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh của quận đã thực hiện điều tra dịch tễ học, khoanh vùng, cách ly, khử trùng diện rộng xung quanh và ngay nơi ở của hai bệnh nhân.

Bên cạnh đó, quận cung cấp đầy đủ khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn, các nhu yếu phẩm cần thiết cho tất cả các hộ dân trong vùng cách ly tại Phường 1 và Phường 2.

Ngoài ra, với đặc thù là địa bàn có nhiều người Chăm sinh sống, Quận 8 đã vận động cộng đồng người Chăm khai báo y tế, nhất là những người có tiếp xúc với các trường hợp đi lễ tại Thánh đường Hồi giáo ở Phường 1 và Tiểu Thánh đường Hồi giáo ở Phường 2.

Tuy nhiên, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Quận 8 Trần Quang Thảo cũng cho biết, hiện nay quận đang gặp một số khó khăn như: nguồn cung khẩu trang y tế khan hiếm, chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu của lực lượng trực tiếp làm công tác phòng, chống dịch bệnh; chưa có quy định cụ thể về mức chi kinh phí hỗ trợ tiền ăn cho những người đang ở trong khu cách ly tập trung và tại khu cách ly cộng đồng. Việc cung ứng thực phẩm cho người Chăm khó khăn do chế độ ăn uống đặc thù.

Do trong thời gian tới thành phố sẽ tiếp nhận một số lượng lớn công dân Việt Nam từ các quốc gia khác trở về, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong yêu cầu Ủy ban Nhân dân Quận 8 cần chủ động tính toán xây dựng các khu cách ly tập trung của quận và dự báo tình hình diễn biến trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, quận cũng cần phát huy việc xã hội hóa, huy động các nguồn lực tại chỗ trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Đồng thời, các phường cần thành lập các tổ phản ứng nhanh để phối hợp hiệu quả, nắm tình hình theo từng khu phố.

Tính đến 18 giờ ngày 21/3, Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận 21 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 3 bệnh nhân đã bình phục sức khỏe và xuất viện. Hiện tại thành phố vẫn còn 216 người nghi ngờ mắc bệnh.

Liên quan đến bệnh nhân số 91 (nam giới, 43 tuổi, quốc tịch Anh, trú tại Quận 2) đã từng đến giải trí tại quán bar Budha (số 7 đường Thảo Điền, phường Thảo Điền, Quận 2), Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh thông báo rằng những người đã từng đến quán bar này trong vòng 14 ngày trở về trước cần khẩn trương liên hệ với cơ quan y tế gần nhất để kiểm tra sức khỏe và được hướng dẫn các phòng ngừa lây nhiễm.

[Thủ tướng quán triệt mục tiêu hạn chế tối đa dịch COVID-19 lây lan]

Từ ngày 20 đến 21/3, Ủy ban Nhân dân huyện Bù Gia Mập (huyện biên giới thuộc tỉnh Bình Phước) đã phối hợp phối hợp Ủy ban Nhân dân các xã, Ban Chỉ huy Quân sự huyện cùng lực lượng chức năng phun, xịt tiêu độc, khử trùng đồng loạt tại khuôn viên của tất cả các cơ sở tôn giáo được Nhà nước công nhận trên địa bàn huyện.

Lực lượng chức năng cũng hướng dẫn các cơ sở tôn giáo về các biện pháp vệ sinh, phòng chống dịch bệnh theo quy định của Bộ Y tế và các cơ quan chuyên môn.

Ủy ban Nhân dân các xã đã thông báo trực tiếp cho các cơ sở tôn giáo về lịch phun, xịt tiêu độc khử trùng để đơn vị chủ động phối hợp triển khai thực hiện.

Đồng thời, Phòng Dân tộc-Tôn giáo huyện phối hợp Ủy ban Nhân dân các xã tuyên truyền nâng cao nhận thức của chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo về công tác phòng dịch; tuyên truyền vận động các cơ sở tôn giáo hạn chế tổ chức những buổi lễ có đông người tham gia và hạn chế việc di chuyển đến vùng có dịch cũng như đón tiếp người từ địa phương khác tới trong thời gian đang diễn ra dịch bệnh COVID-19.

Nếu các cở sở tôn giáo phát hiện những tình huống phát sinh tại cơ sở thì cần thông báo kịp thời đến cơ quan chức năng. Đồng thời, các đơn vị có liên quan cũng đã yêu cầu các cơ sở tôn giáo thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về phòng, chống dịch bệnh, phòng, chống các bệnh truyền nhiễm khác.

Cũng trong đợt phun, xịt tại các cơ sở tôn giáo để phòng ngừa, ứng phó với diễn biến của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra, huyện biên giới Bù Gia Mập cũng đã phun xịt tại doanh trại của đơn vị C568 (Ban Chỉ huy Quân sự huyện Bù Gia Mập).

Bù Gia Mập là huyện biên giới có 23 dân tộc anh em cùng sinh sống. Đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 36%, đa số là người dân tộc S'tiêng.

Trên địa bàn huyện có trên 30 cơ sở tôn giáo thuộc ba tôn giáo chính là Công giáo, Phật giáo và  đạo Tin Lành, bên cạnh đó một số người theo các tôn giáo khác như Cao Đài, Hòa Hảo, đạo Hồi.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục